Để người dân sớm được tiếp cận với nguồn thuốc chất lượng cao, an toàn

16:14 | 25/03/2016
Đánh giá về dự thảo Luật dược (sửa đổi), trong phiên làm việc sáng 25/3, các đại biểu cho rằng, dự thảo trình Quốc hội lần này đã tiếp thu được các ý kiến đóng góp của các đại biểu, do đó đã định hướng được quá trình phát triển công nghiệp dược Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần những nội dung cần điều chỉnh.
Giá thuốc sẽ công khai, minh bạch
Nghiêm cấm tăng giá thuốc chống bệnh sốt xuất huyết
Không để tăng giá thuốc trong dịp Tết
Quản lý giá thuốc, chưa bộ nào chịu trách nhiệm chính
Giá thuốc hỗn loạn do mua bán lòng vòng

Trong phát biểu của mình, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho biết, hiện chúng ta vẫn chưa quản lý chặt chẽ việc mua bán thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc trên cả nước, Chính vì thế, chúng ta cần phải có những chế tài mạnh hơn để quản lý chặt chẽ tình trạng sử dụng thuốc một cách tùy tiện như hiện nay.

Để người dân sớm được tiếp cận với nguồn thuốc chất lượng cao, an toàn
ĐB Phạm Khánh Phong Lan- TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội trường

ĐB Đỗ Văn Vẻ nêu rõ, dự thảo Luật dược chỉ nêu chung về các giải pháp quản lý giá thuốc. Chính vì thế, trong nghị định hướng dẫn của Chính phủ, cần quy định chi tiết các hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc, các quy định về lưu thông phân phối. Trong đó quản lý giá thuốc và chất lượng là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, cần quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan kiểm nghiệm thuốc.

Đại biểu cho biết, đến nay đã có nhiều ý kiến cho rằng từ khi triển khai Luật dược 2005 và các văn bản dưới luật, chúng ta đã kiểm soát giá thuốc khá hiệu quả, trong đó việc kê khai giá có vai trò rất lớn. Tuy nhiên, trên bình diện chung vẫn chưa quản lý hết được giá thuốc nhất là đối với thuốc nhập khẩu, thuốc biệt dược phân phối độc quyền. Đại biểu phân tích, về quy định là chúng ta không cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài phân phối thuốc tại Việt Nam nhưng thực tế khi thuốc nhập vào nước ta đã có hiện tượng lưu thông lòng vòng thổi giá lên nhất là đối với thuốc quý hiếm, thuốc đặc trị.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để việc quản lý giá thuốc mang lại hiệu quả cao thì dự thảo Luật dược cần hạn chế vấn đề độc quyền nâng giá trong nhiều tầng lớp trung gian và những tiêu cực trong kê đơn thuốc. Theo đó, nếu như chúng ta hạn chế được tầng lớp trung gian này thì sẽ góp phần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa, với gần 2000 công ty phân phối và một loại thuốc nếu như từ lúc nhập khẩu hay sản xuất ra đến tay người bệnh mà trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì chắc chắn chi phí sẽ đội lên.

Để người dân sớm được tiếp cận với nguồn thuốc chất lượng cao, an toàn
ĐB Nguyễn Văn Tiên góp ý cho dự án luật.

Đại biểu Phạm Khanh Phong Lan đề nghị, về phía bệnh viện, chúng ta cần phải mở hướng về định suất với khung giá thuốc do Bộ Y tế hay Bảo hiểm y tế đàm phán được. Về chuyên môn, phải lưu ý đồng bộ xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, chống lạm dụng thuốc cũng như tăng vai trò của hội đồng thuốc và điều trị thì mới trị tận gốc được vấn đề tiêu cực trong kê đơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đã cho ý kiến về vấn đề công bố giá thuốc trúng thầu trong quản lý giá thuốc, đánh giá. Theo Luật đấu thầu thì khi đấu thầu xong là phải chấp hành dù sai hay đúng, cao hay thấp, trừ trường hợp vi phạm thì cơ quan cảnh sát mới vào cuộc. Tuy nhiên hiện nay, giữa hai địa phương gần nhau, cùng một loại thuốc, cùng chất lượng, địa phương này bán 1 đồng, địa phương kia bán 1,5 đồng. Trong Luật đấu thầu cũng không có điều nào quy định sau khi đấu thầu xong kết quả khác nhau thì xử lý như thế nào. Cho nên đại biểu đề nghị trong luật này, Quốc hội cần xem xét để quy định, khi giá thuốc tối đa đã được công bố bởi Bộ Y tế, nếu thấy giá thuốc chênh lệch bất hợp lý thì cần báo cáo Chính phủ và Chính phủ cần xử lý để điều chỉnh giá thuốc này cho phù hợp.

Minh Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này