Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24.4.1906 - 24.4.2016):

Tấm gương lớn của thanh niên Việt Nam

14:08 | 25/03/2016
Cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta là vô cùng to lớn. Ông đã để lại bài học vô cùng quý giá về niềm tin và khát vọng cống hiến, chiến đấu cho lý tưởng cộng sản đối với thanh niên Việt Nam.
Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho thanh niên

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), đồng chí Hà Huy Tập nguyên tên lúc nhỏ là Hà Huy Khiêm, hay thường gọi là Ba. Thân phụ Hà Huy Tập là ông Hà Huy Tương, đỗ Cống sinh, nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và bốc thuốc giúp người.

Tấm gương lớn của thanh niên Việt Nam

Lúc đầu, Hà Huy Tập được cha mình dạy học tiếng Hán tại nhà, sau đó đi học và đỗ đầu kỳ tốt nghiệp trung học ở tổng Thổ Ngọa, nhưng do gia cảnh khó khăn nên không được học tiếp. Từ tháng 9.1917, nhờ có sự giúp đỡ, Hà Huy Tập được ra tỉnh lỵ Hà Tĩnh học Trường tiểu học Pháp – Việt. Năm 1919, ông thi đỗ thủ khoa kỳ thi học sinh xuất sắc do nhà trường tổ chức, được cấp học bổng, rồi vào Trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp Trường Quốc học Huế với tấm Bằng Hạng Ưu – bằng Thành chung, nhưng vì gia đình nghèo không đủ điều kiện để học tiếp ở bậc cao hơn, Hà Huy Tập nhận làm giáo viên trong một trường tiểu học ở thị xã Nha Trang, sau chuyển về Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (TP. Vinh, Nghệ An). Thời gian này ông chăm chú đọc nhiều sách báo và thấy được nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới xiềng xích của thực dân Pháp và luôn trăn trở việc đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương.

Chính sự trăn trở đó đã thúc giục người thanh niên yêu nước Hà Huy Tập bước vào cuộc đấu tranh cách mạng với cả bầu nhiệt huyết, dũng cảm, sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng nước ta.

Trong hoạt động cách mạng, đối mặt với nhiều án tù của chế độ thực dân, trong đó có án tử hình, thường xuyên bị kẻ thù rình rập, bao vây, khống chế cả về vật chất và tinh thần, thậm chí bị giam cầm, tra tấn dã man, nhưng đồng chí Hà Huy Tập vẫn kiên trung, bất khuất, giữ gìn niềm tin và ý chí chiến đấu của người cộng sản. Đồng chí đã hy sinh anh dũng trước mũi súng tàn bạo của kẻ thù ở tuổi 35 với lời nhắn gửi: “Hãy xem tôi như người còn sống” để thể hiện niềm tin mãnh liệt, khát vọng cống hiến, chiến đấu cho lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc.

Bên cạnh vai trò là một nhà lãnh đạo cách mạng tài năng của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập còn là một nhà lý luận sâu sắc, một cây bút chiến đấu mặt trận tư tưởng và chính trị của cách mạng Việt Nam; tổ chức và chỉ đạo, xuất bản sách, báo, tạp chí của Đảng. Ông là người sáng lập, tổng biên tập của nhiều tờ báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng. Ở tuổi 23, ông đã hoàn thành cuốn “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương” - tổng kết sâu sặc thực tiễn cách mạng Việt Nam trong những năm đầu do Đảng lãnh đạo. Tư duy và sự nhạy bén chính trị của ông còn thể hiện ở quan điểm dân tộc, giai cấp, coi đây là một điều kiện cơ bản dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

35 tuổi đời, trải qua gần 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó có gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (từ tháng 7.1936 đến tháng 3.1938) với nhiều bí danh và tên gọi khác nhau, đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập, gắn liền với những mốc son lịch sử của phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong những năm 1930 – 1940 của thế kỳ XX. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại. Sự nghiệp cách mạng của chúng ta đang xây dựng hôm nay chính là sự đóng góp bằng xương, bằng máu của bao lớp người đi trước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập – người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một tấm gương lớn để các thế hệ thanh niên Việt Nam học tập và noi theo.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này