Hồ Gươm trong lòng người Nam Bộ

18:09 | 24/03/2016
Mùa xuân đến Hà Nội không ngắm hồ Gươm (một tên gọi khác của hồ Hoàn Kiếm) coi như chỉ chạm chân đến đất Hà Thành mà chưa đi sâu vào lòng Hà Nội. Không chỉ người dân khắp mọi miền đất nước mà cả khách quốc tế, có dịp đến Hà Nội, không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đến hồ Gươm. Nếu Hà Nội là trái tim của cả nước, thì hồ Gươm là trái tim của Thủ đô ngàn năm vạn vật. Từ Vũng Tàu, chúng tôi đến Hà Nội với tâm trạng như thế.
Hà Nội những ngày chưa xa ấy
Gom kỷ niệm ở "Ký ức Hà Nội"

Bức tranh sống động

Có thể khẳng định cùng với nhiều danh lam thắng cảnh như hồ Trúc Bạch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, hồ Tây, thì hồ Gươm là một điểm nhấn đặc biệt nhất trong lòng thành phố. Cái độc đáo của hồ Gươm không chỉ đẹp như một bức tranh lãng mạn, mà còn là gốc tích của của nhiều câu chuyện gắn liền với sự ra đời và tồn tại của Hà Nội xưa và nay. Người dân ở mọi miền Tổ quốc đến Hà Nội chẳng ai biết ai, nhưng khi đã đứng trên cầu Thê Húc hoặc đi dạo dọc sát cạnh hồ đều có tâm trạng chung, lòng cảm thất nhẹ nhõm xen lẫn tự hào hãnh diện về Hà Nội.

Trước thế kỷ 15, hồ Gươm được tồn tại dưới cái tên Lục Thủy, sau đó là Tả Vọng. Hơn 10 năm sau, được đổi thành hồ Hữu Vọng, sau đó là hồ Thủy Quân. Đến đầu thế kỷ 15, khi Vua Lê Thái Tổ đem trả lại gươm báu cho Rùa thần sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi giang san bờ cõi, thì tên hồ Gươm được nhắc đến và lưu truyền trong lịch sử. Theo giáo sư Lê Văn Lan, gọi là hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) gắn liền với sự tích Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm cho Rùa thần, khi giặc Minh đã tan ra chạy xa bờ cõi. Cũng vì lẽ đó mà tượng đài Vua Lê Thái Tổ được xây ngay cạnh hồ Gươm. Nhắc đến hồ Gươm là không thể quên công lao của Vua Lê Thái Tổ - người có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Minh, xây dựng thành Thăng Long xưa.

Hồ Gươm  trong lòng người Nam Bộ
Lãng mạn cầu Thê Húc.

Trải qua thăng trầm của lịch sử và biến đổi thời gian, hồ Gươm đã trở thành viên ngọc quý long lanh giữa lòng Hà Nội hơn ngàn năm tuổi. Tuy quanh hồ Gươm bây giờ đã có đổi thay về diện mạo do những nhà xây cao tầng mọc lên, nhưng không làm mất đi dáng vẻ lãng mạn, hào hoa của nó. Ông Lê Văn Mạc - người đã sống ở đường Đinh Tiên Hoàng, cạnh hồ Gươm, đã gần 70 năm, cho biết: “Tôi là người Hà Nội gốc, lớn lên cùng nhịp sống của Thủ đô. Chẳng ngày nào tôi không ra hồ Gươm buổi sáng. Khách thập phương đến đây, họ chọn một quán cóc, hay cà phê ngồi ngắm hồ Gươm. Từ năm 1975 đến nay, Hà Nội thay đổi rất nhiều, đặc biệt là quanh khu vực hồ Gươm, nhưng dáng vẻ của nó vẫn in đậm cổ kính. Không còn tàu điện leng keng quanh hồ, nhưng những nét cổ kính như Tháp Rùa, cầu Thê Húc thì vẫn giữ được bản gốc. Từ xưa tới giờ, hồ Gươm vẫn là bức tranh đẹp nhất giữa lòng thành phố và không hề phai nhạt theo thời gian”.

Nằm ở vị trí trung tâm, hồ Gươm là nơi kết nối giữa khu phố cổ, phố cũ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ... với khu phố Tây được người Pháp xây dựng theo kiến trúc châu Âu cách đây gần trăm năm. Hồ Gươm đẹp không chỉ ở màu nước trong xanh, mà còn đẹp ở hàng cây xanh chạy quanh hồ. Đó là những hàng lộc vừng cổ thụ trổ bông thơm ngát, những hàng liễu mượt mà, những hàng bằng lăng thay lá mùa thu khiến hồ Gươm thêm sống động. Cầu Thê Húc cong cong, yêu kiều như một dải lụa đỏ dẫn vào đền Ngọc Sơn linh thiêng thánh thiện. Tháp Bút nằm cạnh đường dẫn vào cầu Thê Húc. Rồi tháp Hòa Phong ở ven hồ tạo một quần thể thơ mộng khép kín. Khi thành phố lên đèn, hồ Gươm bừng sáng với hàng ngàn ánh đèn xung quanh.

Lần đầu tiên đến hồ Gươm, chị Trịnh Thu Mai - quê ở Vũng Tàu - chia sẻ: “Hồ Gươm rất quyến rũ. Giữa tấp nập thành phố lại có một chốn yên bình lặng lẽ và lãng mạn. Đi dạo quanh hồ lòng cảm thấy nhẹ nhõm, bao ưu phiền tan biến hết. Với tôi, đây là chuyến đi ý nghĩa”. Trở về Hà Nội sau 11 năm sống trên đất Mỹ, mặc dù đã “Mỹ hóa” từ cách ăn, mặc, nhưng anh Nguyễn Anh Tú (ở phố Hàng Gai) chẳng thể nào quên những ngày ấu thơ. “Hồ Gươm đã gắn bó với tôi ngày thơ ấu. Chính nó đã tạo nên văn hóa giao tiếp cho tôi. Khi sống ở Mỹ, tôi đã đem bộ ảnh của hồ Gươm giới thiệu với người Mỹ. Điều xúc động là sau 11 năm trở lại, hồ Gươm vẫn trầm mặc, thân thương và lãng mạn như thủa nào, vẫn vẹn nguyên phong cảnh hữu tình nên thơ, không hề mất đi vóc dáng của hồ Gươm xưa”.

Trung tâm văn hóa của người Hà Nội

Quanh năm, hồ Gươm lúc nào cũng đông người đến tham quan du lịch, vui chơi. Trên cầu Thê Húc, nhiều cô gái chụp ảnh kỷ niệm, cạnh bờ hồ cô người mẫu làm duyên cho chàng trai ghi ảnh, một nhóm người nước ngoài dạo máy quanh hồ, đôi bạn trẻ ngồi ghế đá nhìn ra tháp Bút suy tư. Ông Nghiêm Quang Vinh - kỹ sư mỏ địa chất từng làm trong Bộ Công nghiệp nặng - đã gắn bó với Hà Nội từ trước năm 1975 cho biết: “Hồ Gươm là trung tâm văn hóa đẹp đẽ nhất của Thủ Đô. Ngoài quảng trường Ba Đình, hồ Gươm là nơi tổ chức nhiều sự kiện nhất trong năm. Vào dịp những ngày lễ, tết, đặc biệt là mùa xuân, dòng người đổ về hồ Gươm khá nhiều để du xuân và chiêm ngưỡng hồ Gươm”.

Hồ Gươm còn là điểm đến ấn tượng của khách quốc tế. Anh Selymam và Hasimlokchim đến từ Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ cảm xúc về hồ Gươm: “Nước tôi cũng có nhiều khung cảnh, nhưng tôi thích hồ Gươm vì lãng mạn và xanh. Đến Hà Nội mà không thăm hồ Gươm coi như chỉ chạm chân đến Thủ đô thôi, chứ chưa đến trái tim của nó”.

Hồ Gươm không chỉ là niềm tự hào của người dân Hà Nội, mà là niềm kiêu hãnh của người dân Việt Nam mỗi lần đặt chân đến mảnh đất này. Còn với tôi, một người Nam Bộ, hồ Gươm có một vẻ đẹp độc đáo, trầm mặc, lãng mạn, cảm xúc thăng hoa, khiến ai đã một lần đây đều hẹn ước một ngày không xa sẽ quay trở lại.

Mai Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này