Quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với ngành thép:

Kẻ mừng, người lo

10:20 | 24/03/2016
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp thuế tự vệ tạm thời với ngành thép. Tuy nhiên việc ban hành quyết định cũng kéo theo không ít hệ lụy đối với những người làm ngành thép, và những ngành có liên quan, đặc biệt là người dân.
Mức tiêu thụ thép thành phẩm tăng trưởng cao

Kỳ 1: Cứu nguy cho các “ông lớn” ngành thép trong nước

Theo quyết định số 862/QĐ-BCT ban hành ngày 07/3/2016 cho biết mức thu thuế tự vệ tạm thời được áp dụng như sau: áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23.3% và đối với thép dài là 14.2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung đối với các mặt hàng trên nhập khẩu vào Việt Nam. Thời gian áp dụng mức thuế tự vệ là 200 ngày kể từ ngày 22/7/2016.

Kẻ mừng, người lo
Tới đây, thị trường sẽ cón nhiều biến động khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với ngành thép. Ảnh: internet

Ngay sau 01 ngày Quyết định có hiệu lực, đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tính khả thi của Quyết định do Bộ Công Thương ban hành.

Quyết định này được ban hành ngay sau khi 4 doanh nghiệp trong ngành thép bao gồm Thép Hòa Phát, Thép miền Nam, thép Việt Ý và gang thép Thái Nguyên có đơn trình bộ Công Thương về việc lượng nhập khẩu ồ ạt phôi thép trong thời gian vừa qua, trong bối cảnh giá phôi thép nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều so với giá trong nước.

Ngay sau khi nhận được đơn, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ về thuế đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nước ngoài. Việc làm này của Bộ công thương đã cứu cánh cho các “ông lớn” của ngành thép trong nước.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, trong năm 2013 – 2015 tốc độ gia tăng của phôi thép nhập khẩu luôn cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng lượng bán hàng trên thị trường nội địa của ngành sản xuất trong nước.

Đặc biệt trong năm 2015, tốc độ gia tăng phôi thép nhập khẩu từ các quốc gia/vùng lãnh thổ là 218% trong khi tổng lượng bán hàng trên thị trường nội địa của ngành sản xuất trong nước chỉ tăng từ 5 – 10% so với năm trước, dẫn tới việc hàng hóa nhập khẩu tăng tương đối hơn 200% so với hàng hóa bán ra của ngành sản xuất trong nước trên thị trường nội địa.

Lý giải về tốc độ gia tăng của phôi thép nhập khẩu luôn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng lượng hàng bán trên thị trường nội địa là bởi giá bán hàng nhập khẩu bất ngờ giảm nhanh và mạnh hơn trong năm 2015 (giảm 30%), điều này đã gây sức ép lớn tới giá bán của hàng hóa trong nước.

Việc ban hành quyết định 862 của Bộ Công Thương sẽ là tin vui cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bởi sẽ giải phóng được lượng hàng phôi thép và thép thành phẩm tồn kho tại các nhà máy.

Nhưng sẽ là tin vui lớn đối với một số doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước, bởi nếu áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời phụ thu 23.3% đối với phôi thép, các doanh nghiệp sản xuất phôi thép sẽ làm chủ cuộc chơi, làm chủ giá bán phôi thép trước những doanh nghiệp nội không có khả năng tự chủ được phôi.

Quyết định trên chắc chắn sẽ làm giảm sức ép cạnh tranh của thép nhập khẩu đối với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, trong đó chủ yếu là thép nhập từ Trung Quốc. Nhưng ở mặt ngược lại, nếu coi văn bản của Bộ Công Thương là cứu cánh cho các “ông lớn” ngành thép thì cũng có thể coi là một bất lợi cho các doanh nghiệp không sở hữu nhà máy phôi, phải mua ngoài toàn bộ.

(còn nữa)

Nguyễn Thanh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này