Người phụ nữ nặng tình với tranh thêu tay

10:07 | 22/03/2016
Chị Nguyễn Thúy Đào sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống tranh thêu tay thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội), trong một gia đình làm tranh thêu tay lâu đời. Cũng như bao phụ nữ ở quê chị, từ nhỏ, chị Đào đã cùng các mẹ, các chị làm quen với khung thêu. Năm 13 tuổi, Thúy Đào đã thành thục 9 kỹ thuật thêu tay truyền thống như nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt, khoắn vảy, thêu chăng chặn...
Người đam mê đưa công nghệ vào giáo dục mầm non
Người thợ trẻ với quyết tâm cao

Chính vì vậy, khi lập gia đình, chị Đào đã nuôi dưỡng ý tưởng theo nghề tranh thêu tay để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của địa phương. Năm 1995, chị thành lập cơ sở thêu tay truyền thống Nguyên Đào, thu hút đông người đến học nghề. Thời gian đầu, cơ sở gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng, bền bỉ và không ngừng sáng tạo, những sản phẩm độc đáo mang thương hiệu tranh thêu Nguyên Đào đã được thị trường trong và ngoài nước biết đến.

Người phụ nữ nặng tình với tranh thêu tay
Chị Nguyễn Thúy Đào – chủ cơ sở tranh thêu tay Nguyên Đào.

Năm 2008, doanh nghiệp tư nhân tranh thêu tay Nguyên Đào ra đời và đến nay luôn bảo đảm việc làm thường xuyên cho 350 - 400 lao động. Không chỉ duy trì việc truyền dạy nghề, chị còn luôn sáng tạo và cho ra những mẫu tranh thêu mới, tìm tòi chất liệu và cải tiến kỹ thuật làm tranh. Mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất hàng trăm mẫu sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, không chỉ với trong nước mà cả nước ngoài, trở thành địa chỉ có uy tín với các bạn hàng quốc tế: Hàn Quốc, Nhật với doanh thu trung bình 4 tỉ đồng/năm.

Cùng với việc sản xuất kinh doanh, chị Đào nhận thấy việc cấy nghề rất quan trọng, nên đã thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương mở các lớp học nghề và nâng cao tay nghề thêu. 5 năm qua, chị đã phối hợp mở được 9 lớp học nghề và nâng cao tay nghề thêu cho 315 lao động hầu hết là lao động nữ ở các xã: Nghiêm Xuyên, Tô Hiệu, Thống Nhất…Cơ sở Nguyên Đào đã đứng ra chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho học viên. Đồng thời, nếu học viên có nhu cầu, Nguyên Đào sẽ nhận vào làm tại doanh nghiệp. Hằng năm, doanh nghiệp đã tạo được việc làm cho từ 200 – 250 lao động nữ trong xã và các vùng lân cận có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 2,5 triệu – 4,5 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp tư nhân tranh thêu tay Nguyên Đào đã được Hội LHPN huyện Thường Tín lựa chọn để thành lập tổ chức Hội Phụ nữ trực thuộc Hội LHPN huyện Thường Tín với 38 hội viên là nữ. Sau khi thành lập, tổ chức Hội Phụ nữ đã có những hoạt động thiết thực tạo thêm sự hào hứng trong lao động với nữ công nhân trong doanh nghiệp. Chị Đào còn tích cực tham gia hoạt động với tư cách là ủy viên Ban chủ nhiệm CLB Nữ doanh nghiệp thành phố, Phó Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nghiệp huyện Thường Tín.

Trong hơn 20 năm gắn bó với nghề thêu tay truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào không giấu nổi niềm xúc động khi chia sẻ về bức tranh "Tổ ấm" chị thêu nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với ý nghĩa gửi gắm tình yêu với Hà Nội và mong muốn đây sẽ là chốn quay về của mọi người con đất Việt, bức tranh thêu của chị mềm mại, tự nhiên ở đường nét, tinh tế, sinh động ở bố cục làm lay động lòng người. Bức tranh đã được BTC chương trình "Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội" chứng nhận là Sản phẩm tiêu biểu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội...

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này