Băn khoăn đổi mới giáo dục môn Lịch sử sau cú sốc “khai tử”

08:41 | 25/02/2016
Sau cú sốc “khai tử”, cuối cùng, Bộ GDĐT đã quyết định giữ lại môn Lịch sử. Tuy nhiên, việc giữ lại mà chưa có sự thay đổi về phương pháp dạy và học, liệu có quay lại lối mòn cũ và liệu một lần nữa, môn Lịch sử có bị đề xuất “khai tử” sau khi đã được nỗ lực “cứu vớt”?
Làm sao để học tốt và yêu thích môn lịch sử
Khơi dậy niềm say mê với môn Lịch sử trong thế hệ trẻ
Thông tin mới nhất về 'số phận' môn Lịch sử

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GDĐT năm 2015 dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc, đồng nghĩa với việc “khai tử” môn Lịch sử đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Lịch sử là môn học quan trọng và phải được dành vị trí xứng đáng trong chương trình.

Băn khoăn đổi mới giáo dục môn Lịch sử sau cú sốc “khai tử”
Lịch sử là môn học quan trọng và phải được dành vị trí xứng đáng trong chương trình.

Hướng đi nào cho môn Lịch sử?

Để tìm được hướng đi cho việc giảng dạy môn lịch sử, đương nhiên các nhà giáo dục lịch sử phải trả lời được câu hỏi: “Học sinh học lịch sử để làm gì?”. Lịch sử cho ta biết cội nguồn. Lịch sử cho ta biết những giá trị quật cường của dân tộc, Lịch sử hun đúc nên ý chí tự hào ngẩng cao đầu của chúng ta hôm nay. Đồng thời lịch sử cũng dạy chúng ta thấy cần phải tránh những sai lầm trong quá khứ…Học lịch sử để nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, học lịch sử để hiểu biết và giữ gìn truyền thống dân tộc, học lịch sử để tự hào dân tộc…

Với những giá trị cốt lõi của lịch sử, không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của nó. Vậy vì sao học sinh (HS) bây giờ quay lưng với môn Lịch sử, trong khi chúng ta đang cố gắng giữ gìn các giá trị lịch sử?

Theo thầy Nguyễn Thiết Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, thì việc đổi mới cách dạy môn Lịch sử cần phải có sự thống nhất đổi mới từ sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy. Nhà trường dù có muốn đổi mới cũng chỉ làm được phần nào đó trong cách truyền đạt tới học sinh chứ không thể tự cải cách về nội dung. Còn việc làm sao để cho học sinh thi Lịch sử nhiều thì nằm trong định hướng của Bộ trong phương án đào tạo nghề, bởi các mã ngành nghề thi khối C ít hơn khiến HS có ít cơ hội được xét tuyển.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn (PHHS Trường Ngô Sỹ Liên), nguyên nhân chủ quan là HS trẻ, mà tuổi trẻ thường luôn muốn khám phá cái mới. Nên cái gì đã cũ là không còn hấp dẫn với tuổi trẻ. Lịch sử là những gì đã qua, là quá khứ, là ngày hôm qua, nên học sinh không thích học môn Lịch sử, bởi phải học những gì đã qua, đã cũ mà chúng quan niệm rằng, cái gì đã qua thì cho qua luôn, cái đã qua không giúp gì được cho cái hôm nay và ngày mai. Đây cũng chính là điều mà chúng ta chưa làm được cho HS hiểu rõ. Nguyên nhân khách quan là do giáo trình Lịch sử của ta hiện khá khô khan, chủ yếu là trình bày sự kiện với những con số khó nhớ. Nhiều chi tiết không chính xác, có những chi tiết còn bất hợp lý. Trong khi xã hội hiện nay với sự phát triển như vũ bão của mạng thông tin điện tử, HS tiếp cận với nhiều luồng thông tin theo kiểu “Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra Google” mà trên đó thì muôn vàn thông tin nhiễu loạn, không chính thống, thậm chí có những sự kiện lịch sử còn bị bóp méo hay dựng lại theo mô típ khác hẳn, trái ngược hẳn làm cho học sinh hoang mang không biết đâu là thật, đâu là giả, dẫn đến chán học môn Lịch sử và quay lưng với môn Sử.

Anh Tuấn đề xuất thêm: “Để học sinh yêu quý môn Sử thì trước hết, Sử phải thật, phải chính xác. Ngày trước, trong các đời Vua trị vì có Luật “Không bao giờ bắt tội hay chém đầu Quan chép sử”. Thế nên, người chép sử là trung thực, có sao chép vậy để đời sau được rõ những gì đang xảy ra, kể cả đó là tội của Vua. Thứ nữa, môn Sử phải đổi mới, không thể dạy Sử đơn thuần bằng những cuốn sách giáo khoa. Giờ Sử có thể là một bộ phim nói về sự kiện lịch sử nào đó, giờ Sử có thể là một buổi biểu diễn ngoại khóa trích đoạn Lịch sử do chính các HS dàn dựng ..v..v. Làm sao để HS có thể nhớ đến lịch sử, học xong mà ấn tượng, không bao giờ quên được. Nếu không thay đổi, đến một ngày nào đó con em chúng ta sẽ không còn nhớ đến các Anh hùng dân tộc, sẽ lẫn lộn các thời kỳ và các giá trị lịch sử cũng dần mai một”.

Em Đinh Bá Đạt - HS Trường THPT Tây Hồ - cho biết rất “ngại” môn Lịch sử vì khá… phức tạp. Theo Đạt, cần phải đơn giản hóa môn Lịch sử, chỉ cần những điều khái quát về các sự kiện chứ không nên chi tiết quá mức cần thiết như liệt kê số quân thiệt mạng, thu giữ được nhiêu vũ khí, thậm chí miêu tả cả binh pháp quân sự như cánh quân từ phía Bắc kết hợp cánh quân từ phía Nam chặn đường lui của địch tạo thành thế gọng kìm...v..v.. Đơn giản thật ngắn gọn để học sinh dễ nhớ không áp lực quá lớn cho việc học vẹt. Nếu không, môn Lịch sử sẽ khiến cho việc học những môn khác bị.. quá tải.

Một học sinh khác thì có ý kiến rất thực tế: “Chúng em chỉ quan tâm đến khối A,D. Các trường có mã ngành thi khối C rất ít. Học các ngành ở khối C, sinh viên ra trường thường khó xin việc, lương thấp, nên chúng em không lựa chọn. Còn ở các khối khác, sinh viên ra trường dễ tìm việc làm, thu nhập cao và cơ hội thăng tiến nhanh hơn. Hơn nữa thi khối C mà rớt thì rất ít có cơ hội xét tuyển”.

Khảo sát ở một số trường thì đa số HS cho rằng, học môn Lịch sử không khó, nhưng không hấp dẫn và có quá nhiều dữ liệu phải thuộc lòng.

Đổi mới giáo dục lịch sử là việc cấp thiết

Khi được hỏi về định hướng dạy môn Lịch sử tại Trường THPT Kim Liên, cô Đặng Ngọc Tú – GV dạy môn lịch sử - cho hay: “Theo tôi, nói rằng khai tử môn Lịch sử là quá nặng nề. Ở đây, Bộ GDĐT chỉ đưa ra định hướng tích hợp môn Lịch sử để giảm tải cho HS trong quá trình học. Tích hợp là sự lồng ghép chứ không phải là bỏ đi, tuy trong nội dung giáo khoa còn nhiều vấn đề, bộ vẫn đang tiếp tục kiện toàn sửa đổi với định hướng biên soạn nội dung phù hợp hơn.

Đối với giáo viên dạy Lịch sử, thì chúng tôi có trách nhiệm tìm cách dạy làm sao cho HS hứng thú hơn. Một trong những phương pháp hữu hiệu nhất là lồng ghép những câu chuyện lịch sử của Việt Nam và thế giới. Ví dụ, trước khi vào bài giảng, nên cho học sinh tìm hiểu trước về đề tài rồi tự phát biểu, thuyết trình trước lớp về hiểu biết của mình về đề tài đó khiến cho HS rất hứng thú. Ngoài ra, việc dạy học đi kèm với tư liệu dạng phim, hình ảnh sẽ khiến HS dễ nhớ bài giảng và ham học hơn”.

Hiện nay, Bộ GDĐT chưa có hướng dẫn mới về việc thay đổi cách giáo dục môn Lịch sử. Tuy nhiên sự thay đổi theo hướng nào, có thu hút được học sinh học môn Lịch sử, có đáp ứng được tiêu chí của nền giáo dục hay không, còn là vấn đề nan giải. Giữ lại môn Lịch sử tuy được sự đồng thuận của nhiều người dân và các nhà giáo dục, nhưng nếu không thay đổi cách giảng dạy liệu môn Lịch sử lại tiếp tục không có học sinh đăng ký và một lần nữa, đề xuất “khai tử” lại phải mang ra cân nhắc?

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này