Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội:

Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng

16:46 | 22/02/2016
Công đoàn ngành ngành GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng" lần thứ V năm học 2015-2016. 
Sôi nổi hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng" các cụm trường mầm non
Ấn tượng từ Hội thi cô giáo tài năng, duyên dáng
Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng

Trải qua nhiều vòng thi, các cô giáo đã thể hiện được không chỉ về tài năng, sự duyên dáng mà còn thể hiện rõ bản lĩnh của mình trong cách ứng xử, gỡ rối nhiều tình huống trong giao tiếp giáo dục, một đặc thù trong ứng xử của ngành sư phạm. Sau đây là một số màn ứng xử hay của các thí sinh dự thi:

Cô giáo Tạ Thị Thương Thương (Trường Tiểu học Dịch Vọng A):

Giáo viên trẻ luôn mang trong mình nhiệt huyết

Với câu hỏi: “Theo bạn câu tục ngữ cái nết đánh chết cái đẹp có còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa không?”, Thương Thương đã trả lời: “Ở đây, vẻ đẹp là hình thức - của trời cho, cái nết là vẻ đẹp tâm hồn.

Theo quan điểm này thì vẻ đẹp tâm hồn quan trọng hơn vẻ đẹp hình thức. Tuy nhiên theo xu thế phát triển của xã hội hiện đại, thì người phụ nữ đã biết quan tâm đến bản thân hơn, biết làm cho mình đẹp hơn vậy chúng ta cũng nên quan trọng cả cái đẹp, vì đã là con người thì ai cũng yêu cái đẹp.

Vậy khái niệm cái nết ngày nay có còn giá trị hay không? Dù là thời đại nào, dù con người có văn minh hiện đại ra sao, thì vẻ đẹp từ bên trong, vẻ đẹp thoát ra từ tâm hồn, từ sự dịu dàng, từ đối nhân xử thế vẫn có sức sống mãnh liệt hơn vẻ đẹp từ hình thức. Câu hỏi đặt ra là nên ủng hộ cái nết hay cái đẹp?

Câu trả lời là không nên nặng nhẹ một bên nào, bởi dù cái nết hay cái đẹp thì bất cứ người phụ nữ nào cũng phải có”.

Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng
Cô giáo Tạ Thị Thương Thương

Câu hỏi tình huống: “Trong một cuộc họp chuyên môn, một cô giáo trẻ mới ra trường mạnh dạn trình bày ý kiến về đổi mới phương pháp giáo dục tiểu học. Một giáo viên lớn tuổi ở dưới nói bâng quơ: “Ngựa non háu đá”.

Trong trường hợp này bạn sẽ ứng xử như thế nào?”, thí sinh Tạ Thị Thương Thương đã có cách xử trí hết sức thông minh: “Ý của giáo viên lớn tuổi muốn nói với GV trẻ là hiếu thắng, không biết tự lượng sức, trong trường hợp này, các GV trẻ mới ra trường chắc chắn sẽ có những biểu hiện khác nhau, như run sợ, mất bình tĩnh, không dám trình bày hết ý kiến, nóng vội…

Tôi sẽ lắng nghe hết ý kiến của đồng nghiệp và nhìn nhận xem cách trình bày của mình và nội dung đã phù hợp hay chưa? Sau đó tôi sẽ nói rằng, tôi chỉ là một cá nhân, cách trình bày của tôi có thể đúng hoặc chưa đúng và rất mong được ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, đặc biết là đồng nghiệp lớn tuổi bởi họ có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm để thế hệ GV trẻ được học hỏi.

GV trẻ luôn mang trong mình lòng nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm nhưng có nhiều hạn chế về giao tiếp, kiến thức xã hội, cho nên tinh thần học hỏi là cần thiết và đồng thời gây được nhiều thiện cảm của đồng nghiệp”.

Với câu trả lời ứng xử đầy bản lĩnh này, Tạ Thị Thương Thương đã rinh về giải ứng xử hay nhất và đồng thời đoạt giải nhì Khu vực 1 cấp Thành phố.

Bùi Thị Thu Thủy (Trường Mầm non Xuân La):

GV cần biết lồng kiến thức xã hội vào việc dạy và học

Khi được hỏi: “Có ý kiến cho rằng, hội thi cô giáo tài năng duyên dáng chỉ dành cho những cô giáo trẻ và có hình thức đẹp, bạn có suy nghĩ gì về ý kiến này”.

Thu Thủy cho rằng, trẻ trung xinh đẹp không phải là tiêu chí của hội thi, mà đây là cuộc thi tài, thi đức của những nhà giáo. Một cô giáo tài năng là một cô giáo có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có lòng yêu thương học sinh, tâm huyết với nghề. Trong cuộc sống, cô giáo còn là người biết tự học hỏi, biết mở to con mắt của nhận thức và con đường tự học.

Bên cạnh việc tự học, mỗi nhà giáo cần phải sáng tạo, đổi mới trong phương pháp dạy và học thì mới giúp học sinh phát triển toàn diện hơn, Bên cạnh đó, giáo viên còn phải hiểu biết xã hội, biết lồng ghép kiến thức xã hội vào việc dạy và học sao cho trẻ được dạy mạnh về chất, sáng về tâm hồn.

Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng
Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy

Với câu trả lời hết sức thực tế và chân thực này cộng với tài năng và sự duyên dáng nổi bật, Thu Thủy đã trở thành Quán quân của cuộc thi cô giáo tài năng duyên dáng Khu vực 1 cấp Thành phố

Trần Thị Tuyết (trường Mầm non Phủ Lỗ):

Chăm sóc trẻ là nhiệm vụ cao nhất

Cũng trong một tình huống “khó” trong phần thi ứng xử, cô giáo Trần Thị Tuyết đã thuyết phục cả khán phòng bằng cách ứng xử thông minh, khéo léo nhưng không kém phần quyết liệt, với quan điểm: Chăm sóc trẻ chính là nhiệm vụ cao nhất.

Câu hỏi ứng xử: “Cùng phụ trách chung một lớp mầm non, một đồng nghiệp biểu hiện đùn đẩy công việc, bạn sẽ xử lý như thế nào?”.

Cô giáo Trần Thị Tuyết đã trả lời rằng, một đặc thù của giáo dục mầm non là không chỉ giáo dục các con mà còn chăm sóc nuôi dưỡng các con, lo cho các con từ bữa ăn đến giấc ngủ. Chính vì vậy trong mỗi lớp học mầm non thường có hai giáo viên trở lên. Tuy nhiên việc có nhiều giáo viên trong một lớp không tránh khỏi việc gây bất đồng quan điểm, có những ý kiến trái chiều.

Nếu có một đồng nghiệp đùn đẩy công việc, trước hết, đặt tinh thần công việc lên trên hết. Trao đổi thẳng thắn với đồng nghiệp rằng, nếu bạn đùn đẩy như vậy, chắc chắn sẽ phải có người khác làm việc thay bạn, và tôi nghĩ rằng, nếu đùn đẩy chúng ta sẽ không thể hoàn thành trách nhiệm của một giáo viên mầm non, không thể chăm sóc và giáo dục các con tốt, và hơn hết là chưa hoàn thành nhiệm vụ của người giáo viên.

Ngoài việc trao đổi thẳng thắn, tôi sẽ tâm sự để đồng nghiệp hiểu ra vấn đề, để cùng nhau chăm sóc và nuôi dưỡng các con. Nếu đồng nghiệp vẫn tiếp tục né tránh và không hợp tác, tôi sẽ đề nghị ban giám hiệu can thiệp, vì mục đích cuối cùng và cao nhất chính là chăm sóc cho các con hoàn thiện về sức khỏe, chân, thể mỹ, vì các con chính là tương lai của đất nước.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này