17.278 ca cấp cứu do tai nạn giao thông trong 3 ngày Tết

16:52 | 10/02/2016
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 3 ngày Tết Bính thân (từ 29 Tết tới sáng mùng 02 Tết) tại các bệnh viện trên toàn Quốc đã cấp cứu 17.278 ca tai nạn giao thông.
Những món quà Tết ấm tình người đến với bệnh nhi khó khăn
74 nhà thuốc sẽ mở cửa 24/24 giờ phục vụ người dân trong dịp Tết
1.716 vụ tai nạn giao thông, 735 người chết, 1550 người bị thương trong tháng 1.2016

Theo đó, có 1.928 trường hợp chấn thương sọ não (chiếm 11,2%), 182 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (chiếm 1%). Số trường hợp bị tai nạn giao thông tăng 113% so với Tết Ất Mùi. Số ca tử vong do tai nạn giao thông kể cả trước khi nhập viện và tiên lượng tử vong xin về là 88 trường hợp (giảm 1% so với Tết Ất Mùi).

17.278 ca cấp cứu do tai nạn giao thông trong 3 ngày Tết
Số trường hợp bị tai nạn giao thông trong dịp Tết Bính Thân tăng 113% so với Tết Ất Mùi

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, số ca tai nạn giao thông vào bệnh viện Việt Đức cấp cứu chiếm 80% tổng số bệnh nhân tới khám trong ngày Tết. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông tử vong hoặc tình trạng chấn thương nặng hơn do không được sơ cứu đúng cách trước khi đưa đến cơ sở y tế.

Trước đó, Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, để chuẩn bị công tác y tế phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan tuân thủ những nhiệm vụ như: đảm bảo công tác thường trực khám chữa bệnh, cấp cứu, không để người bệnh đến bệnh viện không có người khám chữa bệnh: Có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trực theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, xử lý thông tin Đường dây nóng; trực hành chính – hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh (Không để người bệnh bị rét); hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.

Chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra: Có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch; Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh, không để người bệnh thiếu thuốc, dịch truyền, máu, chế phẩm: Bảo đảm dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh (Sau khi đã cấp phát máu cho các đơn vị, hiện tại Viện Huyết học truyền máu TW còn 10.000 đơn vị máu, Viện HHTM Cần Thơ dự trữ: 8.000 đơn vị, Viện Truyền máu huyết học Tp.Hồ Chí Minh dự trữ 3.200 đơn vị).

Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này