Làm thêm dịp Tết: Kẻ khóc, người cười

06:51 | 01/02/2016
Cứ vào dịp cận Tết lại rộn ràng người tìm việc, việc tìm người. Hàng loạt các cửa hàng, siêu thị, công ty cho đến trung tâm thương mại treo biển tuyển nhân viên làm thêm giờ. Đây là cơ hội kiếm tiền rất lớn dành cho các bạn trẻ, tuy nhiên cũng có rất nhiều hệ lụy từ việc kiếm tiền này.

Rộn ràng người tìm việc, việc tìm người

Đặc trưng của những công việc làm này là mang tính chất thời vụ, không đòi hỏi kỹ năng nên thu hút rất nhiều bạn trẻ, chủ yếu là sinh viên các trường CĐ, ĐH muốn kiếm tiền dịp Tết. Trên các trang giới thiệu việc làm, hàng loạt bài đăng tin tuyển dụng và tìm việc làm. Hầu hết là tuyển gấp làm việc ngay trong dịp Tết với những công việc rất đa dạng như nhân viên thu ngân tại các siêu thị, phụ kho, giao hàng, gói quà tết, phụ bếp, trông xe, bảo vệ, dọn nhà, trực tổng đài chăm sóc khách hàng.

Tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), không khó để tìm thấy những tấm biển tuyển nhân viên. Chị Dung, chủ quầy quần áo tâm sự: “Những ngày giáp Tết lượng mua tăng đột biến, dù đã có mấy nhân viên nhưng vẫn phải tuyển thêm người. Khách ra khách vào nườm nượp cả ngày, chỉ sơ hở một tí là mất đồ ngay”.

Làm thêm dịp Tết: Kẻ khóc, người cười
Không khó để tìm được công việc làm thêm trong những ngày cận Tết này.

Dịp Tết này, bạn Nguyễn Thúy Hường (Thượng Cát, Hà Nội) đang tất bật với công việc giúp việc theo giờ. Hường tâm sự, học chuyên ngành Toán tại CĐ Sư Phạm HN nhưng chưa xin được việc nên vừa tranh thủ dạy gia sư vừa đi giúp việc theo giờ kiếm thêm thu nhập. Là chị cả, bố mẹ luôn bận rộn công việc, từ bé đã phải quán xuyến mọi việc trong nhà nên đối với Hường công việc này vô cùng nhẹ nhàng.

Hường chia sẻ: “Những ngày giáp Tết, người này giới thiệu người kia nên lượng công việc nhiều làm không xuể. Mình đã đứng ra nhận việc, giao dịch và thuê thêm người làm cùng. Mỗi ngày, mình chỉ làm 4-5 tiếng, tối đến lại đi dạy thêm nhưng ngày kiếm được 500 nghìn là chuyện thường. Chỉ cần chăm chỉ khoảng 2 tuần cận Tết là có thể kiếm được 3 triệu ngon lành”.

Làm thêm dịp Tết: Kẻ khóc, người cười
Bên cạnh những việc làm thuê, nhiều bạn sinh viên chọn kinh doanh với số vốn nhỏ thậm chí làm mứt, làm đồ handmade.

Bạn Vũ Hồng sinh viên trường Học viện Báo chí tuyên truyền cho biết, vừa thi học kỳ xong, thời gian cũng rảnh nên tranh thủ làm các loại mứt, trong đó mứt dừa bán chạy nhất. Hồng tâm sự: “ Mình dậy từ 5 giờ sáng mình để ra chợ đầu mối mua dừa. Vì mua trước Tết khá lâu nên giá dừa vẫn rẻ, trung bình mỗi cân lãi được 60.000 đồng - 70.000 đồng. Toàn bạn bè người quen đặt nhưng làm cẩn thận, sạch sẽ nên đã bán được vài chục cân, kiếm được hơn 2 triệu”.

Ngoài ra, nhiều bạn khéo tay lại chọn làm đồ handmade. Hồng Loan, chủ Cun’s shop trên phố Trần Đăng Ninh chia sẻ: “Những năm gần đây, các sản phẩm thủ công bắt đầu nở rộ. Tết đến, các loại hoa làm bằng vải rất được ưa chuộng. Mình thâm chí phải thuê thêm vài người phụ ghép vải và trần bông”.

Như vậy, chỉ cần chăm chỉ làm thêm 2-3 tuần cận Tết thôi, đã có thu nhập trên dưới 3 triệu. Đây là con số không hề nhỏ giúp các bạn sinh viên sắm sửa và chi tiêu thoải mái trong dịp Tết cổ truyền.

Kiếm tiền không đơn giản

Hường cũng cho biết thêm, mặc dù đứng ra nhận việc và thuê thêm người làm cùng nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. “Vừa cách đây hai hôm, chị làm cùng xin nghỉ đột xuất vì mẹ ốm nhưng đã trót nhận với chủ nhà rồi nên mình đành ôm đồm làm hết. Đến cuối ngày, tiền lương nhận được chỉ còn một nửa, thậm chí không được thưởng thêm như đã hứa. Mình hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời làm không sạch sẽ”.

Kiều Thủy (Đại học Luật HN) lại chọn cách buôn bưởi Diễn và phật thủ. Thủy ngậm ngùi: “Mình lấy buôn cả vườn bưởi. Nhưng năm nay bưởi Diễn mất mùa, cây cỗi nên chất lượng quả không bằng năm ngoái. Khách đến đặt ít cộng với đợt này thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao khiến nhiều quả bị thối. Lãi chẳng thấy đâu mà đã thấy lỗ đến cả triệu bạc”.

Nắm bắt được tâm lý của sinh viên muốn kiếm tiền tiêu Tết, nhiều nơi tung ra những lời mời chào và tiền lương hấp dẫn. Những tờ rơi, quảng cáo dán đầy cột điện, bến xe buýt, cổng trường CĐ, ĐH. Có những nơi tuyển dụng thật, nhưng cũng có chỗ địa chỉ và số điện thoại chỉ là ảo. Sự thật là không phải ai cũng tìm được cho mình công việc như ý, thậm chí là bị ăn quỵt tiền lương, lừa đảo, cướp tài sản.

Hương Giang, sinh viên trường ĐH Thương Mại, bức xúc kể: “Giáp Tết năm ngoái, mình đi phụ bếp cho một tiệc cưới, quản lý hứa sẽ trả tiền sau 2-3 ngày. Cả tin nên mình đã đồng ý. Hôm sau gọi điện lại số máy không liên lạc được, tiệc cưới cũng đã tàn, mất toi 500.000 đồng một cách trắng trợn”.

Dù là thời điểm vàng để kiếm thêm thu nhập, nhưng các bạn hãy thật tỉnh táo để chọn lựa một công việc phù hợp, tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này