![]() | Tăng cường hợp tác nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững |
![]() | Bao giờ nông dân hết khổ? |
Trên thực tế, mô hình liên kết ở nhiều vùng, nhiều địa phương đã cho thấy, nếu có sự sẵn sàng tương tác giữa các chủ thể liên kết cộng với ứng dụng công nghệ cao một cách quyết liệt thì sản xuất nông nghiệp bền vững và gia tăng giá trị cạnh tranh là hoàn toàn trong tầm tay. Tại nhiều địa phương, việc thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng và phát triển các liên minh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang nhận được quan tâm đặc biệt. Việc phát triển bền vững các chuỗi liên kết là mục tiêu quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, nhằm bảo đảm sản xuất, tiêu thụ nông sản và chuyển giao khoa học - công nghệ…
![]() |
Hiện tại Hà Nội, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thường chỉ tập trung về kinh doanh cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào và làm trung gian phân phối tiêu thụ sản phẩm đầu ra, chưa có nhiều các doanh nghiệp liên kết để hình thành chuỗi cung ứng nông sản.
Nắm được xu thế đó, thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số doanh nghiệp đã tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự lan tỏa của chuỗi liên kết cũng như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta vẫn gặp nhiều thách thức. Thực tế, người sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng người tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững bởi chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua, vừa bán. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng về cơ bản vẫn thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao, chưa nắm được địa chỉ cơ sở sản xuất uy tín, bên cạnh đó một bộ phận người tiêu dùng thích các sản phẩm giá rẻ, nên phải sử dụng hàng hóa kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe và mất lòng tin với người sản xuất.
Do vậy, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm tìm cách khắc phục những tồn tại, thách thức trong chuỗi liên kết và ứng dụng công nghệ cao hiện nay để tạo đòn bẩy củng cố vai trò doanh nghiệp nhằm giúp chuỗi giá trị nông sản phát triển bền vững.
P.A
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/giup-nong-san-phat-trien-ben-vung-32609.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này