An toàn thực phẩm ngày Tết

Cơ quan chức năng không đơn độc!

09:42 | 26/01/2016
Có thể nói, nhiều vụ việc vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm được các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ trong những ngày qua, đặc biệt là những ngày giáp Tết Bính Thân như: Sáng bắt lô hàng “thịt thối rữa”, chiều bắt “mực đã mốc xanh”... thì điều đáng nói là ngoài sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng thì vai trò quần chúng trong việc tố giác tội phạm là không thể thiếu.
Đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Bính Thân
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán

“Tai, mắt” trong dân

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng nhận được nhiều thông tin do người dân cung cấp về các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Đây chính là sự vào cuộc tích cực người dân trong vai trò “tai, mắt” cho các cơ quan quản lý trong việc xử lý các cơ sở vi phạm về vấn đề này.

Mới đây, vào chiều 21.1, là chuyện “hãi hùng về cơ sở chế biến hành phi bẩn” của cơ sở 193 Nguyễn Thiếp (phường Diên Hồng, TP.Pleiku) bị cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đình chỉ hoạt động cũng do được người dân thông tin kịp thời về việc cơ sở này chuyên sản xuất hành phi cung cấp cho nhiều chợ đầu mối cũng như các cửa hàng ăn trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, nhưng đã vi phạm nghiêm trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hay tại cửa ngõ Thủ đô, chuyện về những hố chôn ô-mai tập thể ngập nước bẩn của những hộ dân sống tại phường Đồng Mai (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề vệ sinh ATTP trước tết Nguyên đán. Nếu như không có sự phản ánh của người dân tới cơ quan chức năng thì không biết đến bao nhiêu tấn ô-mai bẩn sẽ “tung hoành” trên khắp phố phường Hà Nội và những tỉnh khác...

Cơ quan chức năng không đơn độc!
Người dân luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tố giác tội phạm (ảnh minh họa).

Theo Ths Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan thông tin báo chí trong thời gian và đặc biệt là của người dân, nên rất nhiều vụ việc vi phạm ATTP đã được thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng. Bên cạnh việc thông tin truyền thông các quy định của pháp luật về ATTP cho người sản xuất kinh doanh thực phẩm để họ hiểu và thực hành đúng các quy định, thì cơ quan chức năng cũng liên tục tăng cường thanh, kiểm tra để giám sát việc thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong thời gian tới, Chính phủ dự kiến sẽ có chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP và giám sát việc sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Vì vậy, Cục ATTP rất mong muốn nhận được sự cộng tác chặt chẽ của các hiệp hội, người tiêu dùng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về ATTP.

Giữ vững lòng tin trong dân

Trong tháng 12.2015 vừa qua, Cục trưởng Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 22 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt 432.576.940 đồng; thu hồi hiệu lực 44 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 2 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tạm dừng lưu thông 11 lô sản phẩm thực phẩm, có 8 công ty bị xử phạt từ 24 triệu đến 50 triệu đồng.

Để tăng cường công tác đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP Tết Bính Thân và mùa lễ hội 2016.

Kế hoạch này tập trung vào 2 hoạt động chủ yếu, thứ nhất là chiến dịch thanh kiểm tra ATTP tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các mặt hàng thực phẩm có lượng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như bánh - mứt - kẹo, rau, thịt, giò chả, rượu, bia... Đặc biệt sẽ tập trung thanh kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm và các siêu thị. Hoạt động thứ 2 là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP cho các đối tượng là người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo đó, tại Trung ương sẽ tổ chức 6 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, đồng thời sẽ chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thành lập các đoàn thanh kiểm tra việc sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Riêng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, việc thanh, kiểm tra sẽ được kết hợp chặt chẽ với việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, xã, phường.

Với việc tăng cường thanh kiểm tra như vậy thì các vi phạm về ATTP sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời, đồng thời sẽ công khai rộng rãi tên, địa chỉ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không an toàn để người dân biết.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng (Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ Người tiêu dùng), năm 2015, Hội đã giải quyết trên 2.200 khiếu nại với tỉ lệ thành công lên tới 82%.

Ðể tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác vệ sinh ATTP, trong thời gian tới, ngoài việc thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu trên thị trường. Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nhãn mác rõ ràng tại những địa chỉ cụ thể, tin cậy; sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn, còn hạn sử dụng và đáp ứng các yêu cầu khác về chất lượng vệ sinh ATTP. Ðồng thời, đề nghị người tiêu dùng tích cực phát hiện, phản ánh kịp thời các vấn đề liên quan chất lượng ATTP cho các cơ quan chức năng để có giải pháp quản lý phù hợp.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này