Hiểm họa từ pháo lậu

09:43 | 26/01/2016
Càng gần Tết Bính Thân 2016, tình trạng vận chuyển và buôn bán pháo lậu càng trở nên phức tạp. Do lợi nhuận lớn từ việc buôn bán pháo lậu nên nhiều đối tượng vẫn tìm mọi thủ đoạn để qua mặt các cơ quan chức năng…
Lô pháo lậu số lượng lớn bị thu giữ
Thanh Hóa: bắt giữ 2.500 quả pháo lậu
Khởi tố đối tượng vận chuyển 14kg pháo lậu

Diễn biến phức tạp

Pháo lậu hiện nay chủ yếu về từ các tỉnh biên giới phía Bắc (như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai), sau đó được tập kết tại các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang… cuối cùng mới đưa về Hà Nội. Theo các cơ quan chức năng, pháo hoa bên Trung Quốc bán rất rẻ, chỉ khoảng 35.000 đồng/bánh, nếu đưa về trót lọt Việt Nam có thể bán được 300.000 nghìn đồng/bánh pháo. Với mỗi kg pháo được vận chuyển trót lọt, các đối tượng có thể thu lời tiền triệu. Sự chênh lệch giá quá cao giữa Trung Quốc và Việt Nam đã khiến nhiều kẻ xấu hám lợi bất chấp thủ đoạn để thu lời.

Hiểm họa từ pháo lậu
Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ buôn pháo lậu.

Sau nhiều năm thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cấm đốt pháo trong dịp Tết, vài năm trở lại đây, tình trạng đốt pháo đã tái diễn ở một số địa phương. Là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước, Hà Nội cũng trở thành điểm trung chuyển và tiêu thụ phức tạp của thị trường pháo lậu. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP. Hà Nội, đang tồn tại một số tụ điểm phức tạp về hoạt động buôn lậu như ga Yên Viên, chợ Đồng Xuân, sân bay Nội Bài, cảng ICD Mỹ Đình, Gia Thụy, Ninh Hiệp… Ngoài ra, các đối tượng đầu nậu còn tập kết hàng tại một số địa bàn giáp ranh như Từ Sơn, Đình Bảng (Bắc Ninh)… Hàng cấm, pháo lậu vì thế có thể dễ dàng lọt vào tay bất cứ ai, thậm chí cả trẻ nhỏ vì hình dạng muôn vẻ. Nếu pháo hoa Hồng Kông (loại có tiếng nổ thường) là hình trụ màu đen, cao 12cm, đường kính 4cm… thì pháo hoa Trung Quốc lại có hình tròn, màu đỏ bắt mắt, có khi là hình quả lựu đạn, khiến gây tò mò cho trẻ nhỏ.

Nỗ lực ngăn pháo lậu

Nói về pháo lậu, PGS.TS Trần Hồng Côn - giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội - cho biết, pháo tuy nhỏ, nhưng sức công phá không hề nhỏ. Hiện có rất nhiều các loại pháo lậu với đủ kích thước, hình dáng bắt mắt như: Pháo dàn, pháo hoa, pháo trứng… Theo PGS Côn, pháo hoa hay pháo bông là loại pháo sử dụng thuốc phóng, thuốc nổ và các phụ gia đặc biệt để chế tạo. Khi châm ngòi đốt, nhiệt độ của lửa làm nóng hỗn hợp thuốc nổ bên trong pháo và xảy ra phản ứng phân hủy tỏa nhiệt của kali nitrat hoặc kali clorat. Các chất này bị ép bên trong vỏ pháo bịt kín nên gây ra tiếng nổ và màu sắc lung linh. Tất nhiên, đó là khi sử dụng pháo chuẩn.

Khoảng 2h ngày 2.1.2016, lực lượng Cảnh sát kinh tế - Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã bắt quả tang Hoàng Văn Cảnh (28 tuổi, quê Lạng Sơn) thuê taxi chở 2 bao tải chứa 36 hộp pháo nổ với tổng trọng lượng 67kg từ cửa khẩu Tân Thanh về Hà Nội. Gần 70kg pháo lậu nguy hiểm giấu kỹ trong cốp xe đã bị các chiến sĩ công an chặn giữ kịp thời sau cuộc đeo bám ròng rã suốt 200km từ cửa khẩu Tân Thanh về trục đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân). Con số gần 70kg pháo nổ trên chưa thấm tháp gì so với 166kg pháo hoa Hồng Kông gây tiếng nổ được đối tượng Hoàng Công Tiện (trú tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) lén lút “tuồn” vào Hà Nội bị Công an quận Ba Đình bắt giữ hồi đầu tháng 12.2015.

Đối với các pháo lậu, sức công phá của nó vô cùng khó lường nếu như địa điểm sử dụng không phù hợp, hoặc được sử dụng vào những mục đích riêng. Trên thực tế, rất nhiều trẻ em, thậm chí người lớn đã trở thành nạn nhân của việc sử dụng pháo nổ không an toàn, không rõ các thành phần nằm bên trong quả pháo như thế nào. Đó còn chưa kể việc, khói thuốc bùng lên sau khi gây nổ cũng nguy hiểm khôn lường. Pháo lậu còn nguy hiểm ở chỗ có thể bắt nổ trong quá trình vận chuyển vì quy trình chế tạo sơ sài. “Hãy nên chỉ dừng lại ở việc thưởng thức pháo hoa ở các địa điểm công cộng, không mua bán pháo hoa lậu không rõ nguồn gốc, thành phần để đảm bảo tính mạng cho những người xung quanh và cho chính mình” - PGS.TS Trần Hồng Côn khuyến cáo.

Được biết, dù vất vả, nguy hiểm và phải đối phó với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhưng lực lượng công an Hà Nội quyết không nhường “đất” cho tội phạm hàng cấm, hàng lậu. Tính riêng đợt cao điểm “đánh” pháo lậu từ tháng 12.2015 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 153 vụ buôn lậu, 33 vụ hàng cấm, trong đó có pháo lậu. Trong 33 vụ hàng cấm, đã khởi tố 13 vụ với 18 đối tượng, xử lý hành chính 1 vụ, 19 vụ còn lại đang được giải quyết. Kết quả này đã phản ánh phần nào nỗ lực rất lớn của các lực lượng chức năng nhưng cũng phần nào cho thấy hiểm họa khó lường đối với an ninh, trật tự xã hội, an toàn tính mạng người dân Thủ đô dịp giáp Tết.

H.Thanh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này