Du lịch Hà Nội:

Hướng tới phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

16:45 | 25/01/2016
Trong những năm qua, du lịch Hà Nội đã có những đóng góp hiệu quả trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Dù mới được thành lập, nhưng Sở Du lịch Hà Nội đang từng bước nỗ lực vượt qua mọi thử thách để khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Nhiều cơ hội cho khách du lịch dịp đầu năm
Thời của du lịch giá rẻ

Để có cái nhìn toàn diện hơn về phương hướng phát triển của du lịch Thủ đô trong năm 2016, LĐTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

- Là đơn vị đầu ngành của du lịch Thủ đô, Sở Du lịch Hà Nội đã gặp khó khăn gì trong những ngày đầu trở thành một đơn vị độc lập, thưa ông?

Hướng tới phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

- Sở Du lịch thành lập ngày 28.7.2015 theo Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 21.9.2015. Như bất kỳ một đơn vị mới độc lập, trong những ngày đầu đi vào hoạt động, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ cán bộ, chưa được cấp kinh phí bổ sung hoạt động. Phải mất một khoảng thời gian làm thủ tục, nhận bàn giao, tiếp nhận kinh phí hoạt động năm 2015 từ Sở Văn hóa Thể thao. Dù vậy, qua hơn 3 tháng đi vào hoạt động, những vướng mắc trong thời gian đầu đã từng bước được giải quyết. Sở Du lịch Hà Nội đã đi vào hoạt động ổn định...

- Thủ đô Hà Nội là một trong những lựa chọn hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Thời gian qua, số lượng du khách đến với Thủ đô ngày càng tăng, nhưng lại giảm về thời gian lưu trú. Ông nhận định như thế nào về điều này?

- Trong những năm qua, hoạt động du lịch Hà Nội vẫn duy trì được nhịp độ phát triển khá. Năm 2015, ngành du lịch Hà Nội ước tính đón được khoảng 3.360.000 lượt khách quốc tế, 16.430.000 lượt khách nội địa, tổng thu ước đạt 55.539 tỉ đồng. Tỉ lệ tăng bình quân về khách du lịch đạt 13%/năm, tổng thu đạt 15,5%/năm. Thị phần khách quốc tế của Hà Nội ngày càng lớn, chiếm tỉ trọng khoảng 40% so với cả nước.

Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận đó, là vấn đề thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch giảm nhẹ. Năm 2011, số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch tại Hà Nội là 2,02 ngày/khách, đến năm 2014 giảm xuống 1,71 ngày/khách -giảm 0,31 ngày so với năm 2011.

Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, chúng tôi cho rằng có một số nguyên nhân chính: Các sản phẩm chủ yếu mới tập trung ở sản phẩm du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hoá và hội nghị, hội thảo,thương mại, mà chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch về giải trí, thưởng thức các dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng cuối tuần hấp dẫn. Chất lượng sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu những sản phẩm chủ lực, mang bản sắc của Hà Nội. Có một lượng lớn khách du lịch nội địa đến Hà Nội chỉ tham quan trong ngày. Ngoài ra, còn do các yếu tố khách quan như dịch bệnh, suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia rồi xung đột chính trị diễn biến ngày càng phức tạp..., nên nhiều đoàn khách cắt giảm thời gian chuyến đi du lịch.

- Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, Sở Du lịch đã có kế hoạch gì để phát triển các sản phẩm điểm đến, thưa ông?

- Hà Nội những năm gần đây liên tục ở vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế.Trong đó năm 2015, được tạp chí du lịch trực tuyến Trip Advisor xếp hạng “Điểm đến hấp dẫn thứ 4 thế giới”. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của Hà Nội vẫn chưa được khai thác tương xứng, chưa làm hài lòng người Hà Nội cũng như du khách trong và ngoài nước.

Hướng tới phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Trụ sở Sở Du lịch Hà Nội hiện đóng tạm trong khu vực Hoàng Thành Thăng Long.

Sản phẩm du lịch của Hà Nội hiện chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, chưa huy động được nguồn lực đầu tư đúng mức và chưa khai thác được thế mạnh của các loại hình du lịch văn hóa - di sản, làng nghề - phố nghề, làng cổ. Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Sở Du lịch là tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển sản phẩm du lịch bằng cách: Đa dạng hóa các nguồn lực, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hoá nghìn năm văn hiến như: Nâng cấp dịch vụ du lịch tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, khai thác không gian cảnh quan và mặt nước hồ Tây, phát triển tuyến du lịch ven sông Hồng.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội có kế hoạch phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc của di sản văn hoá thế giới khu Trung tâm di sản Hoàng Thành - Thăng Long phục vụ phát triển du lịch; tổ chức triển khai sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị và khai thác, phát triển du lịch bền vững tại quần thể “Không gian lễ hội Gióng” ở huyện Gia Lâm và huyện Sóc Sơn; Đầu tư các điểm dừng chân kết hợp bãi đỗ xe cho khách du lịch tại khu vực nội đô và tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại một số rạp của Thủ đô cùng một số điểm trong khu vực phố cổ. Bên cạnh đó Sở cũng sẽ chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội, hỗ trợ nâng cấp sản phẩm du lịch tại làng nghề thu hút đông khách quốc tế đến tham quan như: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề mây tre đan Phú Vinh...; Quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng có sức hấp dẫn cao đối với du khách; chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại Thủ đô...

Để thực hiện được nhiệm vụ nêu trên, chúng tôi rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, cấp ủy và chính quyền các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là sự chung tay góp sức của mọi người dân Thủ đô.

- Vậy, trong năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm gì để du lịch Thủ đô phát triển xứng tầm với tiềm năng?

- Năm 2016, Sở Du lịch sẽ triển khai một số nhiệm vụ quan trọng, gồm: Ngành du lịch chủ động phối hợp với Công an thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án kiên quyết xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo, ép khách du lịch mua hàng tại các khu, điểm du lịch và trước cửa các khách sạn; Làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch: quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức nhằm giới thiệu hình ảnh Thủ đô Hà Nội với những tiềm năng du lịch lớn, xây dựng chương trình xúc tiến du lịch có tầm nhìn dài hạn. Triển khai chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, tập trung quảng bá điểm đến Hà Nội tại các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng của Thủ đô như Đông Bắc Á, ASEAN, Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia…; Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (tiêu chuẩn VTOS), đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nỗ lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Đẩy mạnh công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 10.8.2015 của UBND Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8.12.2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Tham mưu báo cáo UBND Thành phố trình Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đến năm 2020; HĐND thành phố ban hành Nghị quyết Chương trình mục tiêu phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn du lịch Thủ đô và Trung tâm hỗ trợ phát triển du lịch thành phố; Triển khai thực hiện phân công, phân cấp quản lý cụ thể trong lĩnh vực du lịch giữa cấp thành phố và cấp huyện, đồng thời tăng cường sự phối hợp, thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

- Xin cảm ơn ông!

Thu Hoài (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này