Các hiệp định thương mại tự do

Nâng tầm kinh tế Việt Nam

23:13 | 22/01/2016
Mặc dù Việt Nam mới mở cửa hội nhập kinh tế thế giới được 3 thập kỷ, song đến thời điểm này, nếu so với các nước trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có hệ số hội nhập top đầu. Đây chính là tiền đề để nâng cao đôi cánh của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Những nước sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng Việt Nam khi vào TPP
Tác động của TPP và hội nhập kinh tế tới ngành chăn nuôi Việt Nam
“TPP là cơ hội nghìn năm một thuở mới có của Việt Nam”

Từ 11 hiệp định FTA đã ký

Theo người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thì đến thời điểm cuối tháng 12.2015, Việt Nam đã ký khoảng 11 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) với các nước, khu vực; cũng như với tư cách thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký với các nước, cụ thể: ASEAN - AEC, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN – Australia/New Zealand, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam - Chile, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á -Âu, Việt Nam - EU. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết đầu tháng 12.2015.

Nâng tầm kinh tế Việt Nam
Nếu chỉ phụ thuộc dệt - may, TPP với Việt Nam coi như không thành công.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, FTA là sân chơi thương mại có độ cạnh tranh khốc liệt, nhưng có độ mở rất lớn với nhiều ưu đãi về mặt thuế xuất, nên hàng hóa Việt Nam dễ xâm nhập thị trường các nước thuộc FTA mà chúng ta ký kết như nông sản, dệt - may… Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng: Chúng ta ký FTA dễ dàng hơn các nước khác cũng là lẽ đương nhiên, vì thực tế sản phẩm chủ lực của ta chỉ là những mặt hàng gia công như dệt-may, hoặc các sản phẩm tự sản xuất được như nông sản, còn các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng chúng ta đều phải nhập khẩu. Thế nên, ký FTA, chắc chắn người dân được dùng các sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn, đồng thời chúng ta cũng buộc phải nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay: Xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc sau khi có FTA (mới chỉ tính FTA Hàn Quốc đã ký với ASEAN, trong đó có Việt Nam, chưa tính FTA song phương, sẽ có hiệu lực tháng 1.2016) tăng bình quân 38%/năm (trước FTA là 16%/năm); vào Nhật Bản tăng 28%/năm (trước FTA là 26%/năm); vào Hoa Kỳ cũng đã vươn lên đứng đầu các nước ASEAN sau hơn 10 năm thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA)...

Nâng tầm kinh tế Việt Nam
TPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có quy định nội dung về lao động, nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO, thể hiện trong 8 công ước cơ bản, bao gồm các nội dung: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt, đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992. Chúng ta đã phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản của ILO. Nhưng theo Tuyên bố năm 1998 của ILO, các nước thành viên dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các công ước cơ bản nêu trên, đều có nghĩa vụ tôn trọng thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các công ước đó. Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động: Theo hiệp định TPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và các nước tham gia hiệp định TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp sau khi thành lập có thể gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích, điều lệ hoạt động đã được đăng ký. Trích trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Còn riêng Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan, cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ước tính, khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể tăng 63%, sang Belarus tăng 41% và sang Kazakhstan tăng 8%. Với Hiệp định thương mại tự do EVFTA kỳ vọng sẽ giúp xuất khẩu sang thị trường EU tăng 30-40% và trở thành đòn bẩy cho quá trình cải cách thể chế. Hàng hóa xuất khẩu nhiều, lẽ đương nhiên số việc làm và thu nhập cũng sẽ tăng, đời sống người lao động sẽ dần được nâng cao.

TPP - hiệp định mang tầm thế kỷ

Trong các hiệp định thương mại tự do nói trên, TPP được kỳ vọng là hiệp định lịch sử đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia, bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhằm xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: Sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, an toàn lao động… 12 quốc gia của TPP chiếm trên 40% thương mại toàn cầu, trong đó có thị trường khổng lồ là Hoa Kỳ.

Khác với các hiệp định thương mại tự do khác, TPP còn nhiều điều khoản liên quan đến cải cách thể chế, trong đó đề cập đến nội dung cải tổ hoạt động công đoàn và các nội dung khác. Vì thế, tham gia TPP, ngoài yếu tố tăng trưởng xuất khẩu, thì người dân dễ dàng xin visa nhập cảnh các quốc gia thành viên; Tạo nhiều việc làm cho người dân; Đất nước sạch đẹp, an toàn hơn nhờ các yêu cầu bắt buộc về môi trường; Được các nước phát triển hỗ trợ về kỹ thuật và tay nghề lao động; Người dân được sử dụng sản phẩm chất lượng cao với giá thành rẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khi TPP chính thức có hiệu lực, khi nói về lợi ích TPP mang lại cho nền kinh tế Việt Nam, các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các chuyên gia đều cho rằng sẽ vô cùng lớn. Cụ thể, 70% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt-may Việt Nam sang các thị trường trong TPP. Gia nhập TPP, thị phần kỳ vọng tăng gấp đôi và khi vào Hoa Kỳ có thể đạt kim ngạch 55 tỉ USD vào năm 2025 (trung bình thuế suất hàng dệt-may vào thị trường Hoa Kỳ hiện nay 17,5%, sau TPP về 0%. Toàn bộ dòng thuế nhập khẩu hàng da-giày từ 3,5% đến hơn 57,4% cũng về 0%). Theo nghiên cứu của Trung tâm Đông - Tây (Hoa Kỳ), GDP Việt Nam có cơ hội tăng 35,7 tỉ USD - tương đương 10,5% đến năm 2025. Cùng thời gian, xuất khẩu của Việt Nam tăng 28,84% nhờ TPP - tương đương 67,9 tỉ USD. Còn theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam, TPP giúp GDP Việt Nam có thể tăng 1 - 2%/năm nhờ đầu tư tăng 9,2%, chủ yếu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tiêu dùng tăng 6,9 tỉ USD và sản xuất tăng 2,4 tỉ USD, tạo hơn 6 triệu cơ hội việc làm trong ngành dệt-may đến năm 2025.

Nâng tầm kinh tế Việt Nam
Tham gia FTA, TPP mong xuất khẩu của Việt Nam tăng cao

Thành bại do bởi chính mình

Cần phải hiểu, FTA nói chung và TPP nói riêng không phải là đôi đũa thần để nâng đôi cánh kinh tế nếu không có sự nỗ lực từ chính mình. Vì khi tham gia sân chơi này, quan điểm chung là các bên, hai bên cùng có lợi. Ta xuất được nhiều hàng vào nước họ với thuế suất ưu đãi, thì họ cũng xuất sang ta như vậy. Đấy là chưa kể đến việc, nếu ta không làm chủ được tình hình sẽ vô tình là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư đến canh tác. Vì theo quy định, cứ có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam hưởng thuế xuất khẩu 0%. Dệt-may là ví dụ, các FTA, TPP theo tính toán, là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng thực tế, đa phần các sản phẩm hiện nay chúng ta đều gia công, phần giá trị gia tăng từ nguyên, phụ liệu của chúng ta thấp, nên tổng trị giá tiền thu về trên sản phẩm xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 4 - 50%. Khi TPP đã hoàn tất đàm phán, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ xô vào Việt Nam để hưởng lợi thế xuất khẩu. Trong khi đó, chúng ta vẫn dành ưu ái cho họ về thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, nhân công giá rẻ.. vô tình giúp các nhà đầu tư được hưởng lợi kép, còn chúng ta mất đi lợi thế so sánh kép.

Còn nông nghiệp, đa số sản phẩm chúng ta hiện phụ thuộc thị trường Trung Quốc (trừ hải sản). Khi TPP chính thức có hiệu lực, sản phẩm nông nghiệp chúng ta sẽ cạnh tranh thế nào? Vì tham gia TPP cũng như các FTA, thị trường tiêu thụ vô cùng rộng lớn, song tiêu chuẩn cũng vô cùng khắt khe. Đặt trong bối cảnh làm ăn manh mún như hiện nay, nếu không có sự chuyển dịch hình thức canh tác, chăn nuôi, sản xuất, chúng ta không chỉ khó có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, mà thậm chí còn thua ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, đã tham gia là phải chấp nhận cuộc chơi, phải chấp nhận thay đổi nhiều thứ - từ thể chế, biện pháp quản lý và tư duy sản xuất, chăn nuôi. Có thể, giai đoạn đầu chúng ta sẽ chịu nhiều áp lực, nhưng thời gian không xa, chúng ta sẽ thấy hết mặt lợi từ FTA, TPP mang lại.

Trên bình diện lao động, thách thức lớn nhất là trình độ ngoại ngữ và tay nghề của lao động Việt Nam không cao; tuy nhiên lợi thế là tính sáng tạo, kỹ năng làm việc và độ cần cù rất lớn. Do đó, các cơ quan hoạch định chính sách phải sớm đưa ra lộ trình đào tạo công nhân lành nghề, kỹ sư, cử nhân một cách chuyên nghiệp hơn để đáp ứng nhu cầu của quá trình tự do hóa mang lại. Nếu không, người lao động Việt Nam sẽ tự đánh mất mình và thậm chí phải chấp nhận làm những việc giản đơn, còn lao động nước ngoài lại làm vào những chỗ lẽ ra lao động Việt Nam phải làm được ngay trên đất nước mình.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này