Khắc phục hạn chế, yếu kém để đưa nền kinh tế phát triển

11:24 | 20/11/2014
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy trước Quốc hội về công tác điều hành của Chính phủ tại phiên giải trình, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội diễn ra chiều 19.

Nợ công vẫn trong giới hạn an toàn

Sau khi thông báo một số nét khái quát bức tranh kinh tế-xã hội năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giải trình một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Theo đó, về tình hình nợ công, người đứng đầu Chính phủ cho biết: Quốc hội đã có nghị quyết quy định trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. Chính phủ đã ban hành chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể vay về cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ là 335 nghìn tỷ đồng, hơn 2,5 lần giai đoạn 2006 - 2010 (đã phát hành 250 nghìn tỷ đồng và năm 2015 sẽ phát hành thêm 85 nghìn tỷ đồng). Đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu. Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. Mặc dù tăng nhanh như vậy, song Thủ tướng khẳng định mức nợ công vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo nghị quyết của Quốc hội.

Về kế hoạch trả nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chính phủ đã có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%). Cạnh đó, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, Việt Nam còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế. Để không bị vỡ nợ công như một số quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh: Điều quan trọng phải quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công giảm còn khoảng 60,2% GDP (quy định là không quá 65% GDP), nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP (quy định là không quá 55% GDP) và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (quy định là không quá 25%).

Nợ nước ngoài  vẫn an toàn

Liên quan đến nợ nước ngoài, Thủ tướng thông báo: Đến cuối năm 2014, nợ quốc gia bằng 39,9% GDP và dự kiến đến năm 2020 khoảng 46% GDP (quy định là không quá 50% GDP). Như vậy, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ năm 2014 khoảng 25,9%. Trong đó, có 11,32% là do các ngân hàng thương mại đã tận dụng cơ hội vay ngoại tệ ngắn hạn, lãi suất thấp ở nước ngoài để đáp ứng ngay cho nhu cầu thanh toán hàng hóa dịch vụ nhập khẩu. Do đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 bảo đảm tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm).    

Về vấn đề nợ xấu, đến tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012 (465 nghìn tỷ đồng). Công ty Mua bán nợ (VAMC) đã mua gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định, trong đó đã bán, thu hồi được gần 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có lãi. Tuy vậy, Thủ tướng đánh giá kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn. Vì vậy, mục tiêu của Chính phủ đề ra đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nâng cao năng suất  lao động, cải thiện môi trường kinh doanh

Về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Phấn đấu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6; Trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế còn 121,5 giờ/năm, số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6, bảo đảm hải quan Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn hải quan hiện đại; thời gian nộp bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ/năm; thời gian thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp còn tối đa 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng còn 18 ngày. Khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua thì thời gian thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng hiện nay còn tối đa 30 tháng

Liên quan đến nội dung nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng cho rằng muốn nâng cao năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó liên quan đến cơ cấu ngành, trình độ công nghệ và chất lượng nguồn  nhân lực. Thủ tướng dẫn chứng, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2013 so với các nước ASEAN đã thu hẹp 1,98 lần. Tuy nhiên, năng suất lao động vẫn còn thấp trong ASEAN, thấp hơn tăng trưởng GDP. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta là hơn 18%, trong khi Singapore trên 60%. Kỹ năng của lao động của Việt Nam không kém nhưng còn hạn chế về kỷ luật lao động. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của nước ta còn hạn chế. Trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển công nghệ, đầu tư mạnh kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo quản trị theo chương trình quốc tế…

Trả lời câu hỏi của đại biểu ở đồng bằng sông Cửu Long về hợp tác vùng, liên kết vùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hợp tác vùng là rất quan trọng. Song vấn đề cơ chế như thế nào cần phải thảo luận thêm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) về chiến lược biển đảo. Thủ tướng  cho biết, với nước ta biển đảo rất quan trọng. Tuy nhiên, trong những năm qua, đầu tư cho phát triển, khai thác, bảo vệ biển đảo vẫn chưa tương xứng. Do đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư một cách thích đáng để phát triển kinh tế biển, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Về vấn đề phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng nhấn mạnh nhân lực là nguyên khí quốc gia. Sở dĩ năng suất lao động thấp cũng chính vì nguồn nhân lực chất lượng không cao. Thế nên, để đất nước phát triển phải có cuộc cách mạng mang tính chiến lược về xây dựng nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, công nhân lao động).

Trả lời câu hỏi của đại biểu Thích Thanh Quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước với Trung Quốc sau khi Trung Quốc rút giàn khoan?  Thủ tướng trả lời:  Đối với Trung Quốc và tất cả các nước, chúng ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa quan hệ trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi. Đồng thời, tuân thủ nghiêm các quy định và công ước quốc tế. Trung Quốc cũng như vậy. Với Trung Quốc dù mưa nắng, bão lũ cũng là láng giếng. Chúng ta mãi mong muốn Việt Nam và Trung Quốc luôn luôn hợp tác chân thành để hai bên cùng phát triển. Sao cho thực hiện đúng phương châm 16 chữ vàng và bốn tốt mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã cam kết. Đồng thời, phải giải quyết các bất đồng về lãnh thổ dựa trên các nguyên tắc và Công ước quốc tế Luật Biển của LHQ năm 1982.

Liên quan đến việc Trung Quốc lập đảo nhân tạo ở bãi đá ngầm Gạc Ma, Thủ tướng nhấn mạnh Trung Quốc đã vi phạm điều 5 bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (DOC) và điều này tại các diễn đàn, hội nghị cấp cao trong khu vực và thế giới, Chính phủ ta đã phản đối vấn đề này.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này