Sinh viên làm thêm dịp Tết

Cơ hội lớn, rủi ro cao

16:46 | 15/01/2016
Thời điểm giáp Tết là lúc doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm nhân viên thời phụ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đây cũng là cơ hội việc làm mang lại nguồn thu nhập khá hấp dẫn cho sinh viên. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng khi lựa chọn đầu việc cho phù hợp, nhiều người có thể rơi vào cảnh “mất tết” bởi phải lo gánh những khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”.
Sinh viên làm thêm dịp tết
Sinh viên tất bật làm thêm dịp Tết

Đa dạng việc làm thêm

Với quỹ thời gian rảnh rỗi, không khó để sinh viên tìm cho mình việc làm thêm phù hợp khi các thông tin tuyển dụng về “làm thêm dịp Tết”, “Tuyển nhân viên bán hàng cận Tết”... được đăng tải rộng rãi trên các trang mạng xã hội và tờ rơi. Đây được coi là “thời điểm vàng” với sinh viên, bởi đa dạng các việc làm và thường có mức lương cao gấp 1,5 – 2 lần ngày thường, cùng với đó là thời gian linh động, có thể làm theo nhiều ca khác nhau để không trùng lịch học.

Cơ hội lớn, rủi ro cao
Sinh viên tìm kiếm công việc làm thêm. Ảnh minh họa.

Theo đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Yên Hòa – quận Cầu Giấy), Trung tâm thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm 2 buổi/tuần dành cho người lao động và sinh viên với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp và nhu cầu tuyển dụng hơn 400 người. Tại các buổi giao dịch này, sinh viên có thể tìm công việc phù hợp và được doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp. Công việc phổ biến đối với sinh viên dịp cuối năm là nhân viên bán hàng theo ca tại các cửa hàng, quán ăn, shop quần áo, bán hàng online hay những công việc mới thú vị như dọn dẹp nhà theo giờ, làm mẫu ảnh, thậm chí là trông nom thú cưng.

Chia sẻ với PV, sinh viên Nguyễn Hồng Trang (Trường Đại học Thủ đô) cởi mở: “Em nhận giúp việc theo giờ cho một gia đình ở đường Lạc Long Quân, mỗi ngày làm 3 giờ với mức lương 200 ngàn đồng. Việc chính là dọn dẹp, đi chợ nấu cơm. Đây là một công việc phù hợp khả năng. Tết này, gia đình chủ nhà muốn em ở lại giúp việc với tiền công là 250 nghìn đồng một ngày, nhưng em từ chối, vì muốn về quê ăn Tết với bố mẹ”.

Không có sức khỏe để đi làm thêm ở các cửa hàng, sinh viên Mai Thị Phương (Đại học Nội vụ Hà Nội) lại chọn cách bán hàng online các mặt hàng phục vụ Tết như quả phật thủ, đài hoa sen, quả dứa lộc bằng kẹo... Phương kể: “Em bán chủ yếu cho người quen, lấy giá rẻ hơn ở chợ, nên cũng nhiều người mua, năm nay mình còn nhập thêm “dưa lê thần tài” cho phong phú. Năm trước có bán hoa, nhưng do nhiều người bán quá, nên lãi ít và lại mất thời gian, nên năm nay, em chuyển qua bán online những mặt hàng này vì để được lâu và gia đình nào cũng cần”.
Ngoài những việc làm thêm quen thuộc như phục vụ nhà hàng, quán ăn, nhiều công việc mới thu hút sinh viên bởi mức lương hấp dẫn và tính chất công việc đặc biệt như chơi đùa, dắt thú cưng đi dạo với mức lương 25.000 – 30.000 một giờ, trông nhà thuê, thậm chí những bạn có xe máy có thể nhận giao hàng, chở xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Do vậy, làm thêm vào dịp Tết là cơ hội để sinh viên không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn có những trải nghiệm ý nghĩa.

Những rủi ro khó lường

Cùng với có thêm một khoản thu nhập, sinh viên đi làm thêm cũng mất đi một khoảng thời gian cho việc học tập, nghỉ ngơi. Với nhiều sinh viên, đi làm thêm đồng nghĩa với quỹ thời gian luôn bị “căng cứng”.

Theo Hồng Trang chia sẻ, cuối năm cũng là thời điểm thi cuối kỳ nên rất vất vả để cân bằng giữa việc đi làm thêm và ôn thi. Mặc dù đã bố trí thời gian hợp lý, nhưng do đi làm thêm không còn nhiều thời gian ôn bài nên kết quả kỳ này không được tốt như những kỳ trước. Thực tế tìm hiểu, không chỉ ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe, nhiều bạn sinh viên còn rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi tìm việc làm.

Sinh viên Nguyễn Thị Nhung (19 tuổi, Đại học Thương mại) kể, do không tìm hiểu kỹ nên Nhung đã nộp tiền và hồ sơ vào một trung tâm gia sư với số tiền 300.000 đồng, sau đó em được giới thiệu dạy kèm một học sinh lớp 5, nhưng được hai hôm thì gia đình từ chối việc mình đến dạy, cũng không trả công. Đến trung tâm cũng không đòi lại được tiền phí. “Chia sẻ sự việc với một số bạn thì em mới tá hỏa đó là chiêu trò của trung tâm, sử dụng người nhà để qua mặt em, thu tiền” – Nhung bức xúc nói. Đây chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện xảy ra với sinh viên khi tìm kiếm việc làm, đặc biệt với những quảng cáo hấp dẫn, mức lương “khủng” thời gian gần Tết được đăng tải rộng rãi trên mọi phương tiện như hiện nay.

Cũng có không ít trường hợp sinh viên sáng đi học, chiều đi làm thêm đến tối muộn, ăn uống thất thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí ngất xỉu, tụt huyết áp ngay khi bán hàng. Mức lương cao luôn đi kèm với áp lực công việc, ép doanh số từ các chủ cửa hàng, gây ra nhiều khó khăn, vất vả cho sinh viên. Vì vậy, để có một công việc thực sự phù hợp, sinh viên cần sáng suốt trong việc lựa chọn việc, điều kiện sức khỏe, học tập của bản thân. Đặc biệt là tỉnh táo trước những “mồi nhử” béo bở của các trung tâm, công ty không rõ địa chỉ, không có tiêu chí tuyển dụng rõ ràng, tránh tiền mất tật mang.

Câu chuyện của Nguyễn Thanh Hải (23 tuổi, quê Hòa Bình) là một ví dụ điển hình. “Năm ngoái, do tin theo thông tin về công việc nhàn hạ lương cao đọc trên tờ rơi mà mình bị dụ vào đa cấp, bị lừa mất hơn 10 triệu đồng. Đến Tết, không dám về nhà, mà phải ở lại Hà Nội đi làm trả nợ. Đó là cái Tết buồn, tủi, nhất với mình, cùng là bài học mình không bao giờ quên...” – Hải chia sẻ.

Hoàng Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này