Nhà Lang hồi sinh từ những giấc mơ

05:45 | 16/01/2016
Từ tỉnh Hòa Bình, họa sĩ Vũ Đức Hiếu – Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường - hồ hởi loan báo với bạn bè: “Giấc mơ hồi sinh nhà Lang của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đến hôm nay đã thành hiện thực! Sự giúp đỡ quý báu bằng nhiều hình thức, từ nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan… trên tinh thần vì di sản văn hóa đã giúp bảo tàng hoàn thành được nguyện vọng này. Sáng 15.1.2016, lễ khánh thành nhà Lang sẽ được tiến hành...”.
Chung tay phục dựng nhà Lang
Triển lãm và bán đấu giá tác phẩm mỹ thuật ủng hộ phục dựng nhà Lang

Với người dân tộc Mường, nhà Lang là ngôi nhà quan trọng nhất, không chỉ về kiến trúc, mà còn cả về ý nghĩa của nó trong đời sống tâm linh, văn hóa và sinh hoạt hằng ngày.

Vũ Đức Hiếu là người say mê văn hóa Mường. Chàng họa sĩ trẻ này đã dành 10 năm kỳ khu nghiên cứu, sưu tầm những vật dụng liên quan tới đời sống xã hội của người Mường, rồi sau gần một năm xây dựng, đã lập nên Bảo tàng Không gian văn hóa Mường - bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa của dân tộc Mường, ngay trên đất Mường cổ, thu hút khách gần xa tới thăm quan. Trong đó, nhà Lang là một điểm nhấn quan trọng trong không gian văn hóa này.

Đó cũng là ngôi nhà Lang cuối cùng của cộng đồng Mường. Ngôi nhà có niên đại hơn 100 năm, thuộc sở hữu của gia đình bà Hà Thị Lợi - con gái một vị Lang Đạo ngày xưa ở vùng mường Chậm (nay thuộc xóm Chiến, xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Bà Lợi mất năm 2009, thọ 110 tuổi. Tính đến năm 2010, bà đã có tới 156 người con, cháu, chắt, chút, chít. Ngôi nhà của dòng họ Quan Lang này được di dời và phục dựng tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường vào đầu năm 2007, bởi nhóm thợ 12 người ở xóm Bận, xã Tuân Lộ, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), do ông Đinh Công Tân làm thợ cả. Nhóm thợ này dựng xong khung ngôi nhà đã hết 116 công.

Nhưng tiếc thay, nhà Lang đó đã bị thiêu rụi vào tối 24.10.2013, bởi một nhóm khách vô ý thức.

Nhà Lang hồi sinh từ những giấc mơ
Năm 2016, nhà Lang đã được phục dựng theo nguyên bản kiến trúc xưa.

Trước sự cố đau đớn này, Vũ Đức Hiếu dường như chết lặng. Cũng đã không biết bao lần anh gửi đơn trình báo các cơ quan chức năng của địa phương về vụ việc, đề nghị điều tra, xử lý. Nhưng rồi, lại tiếc thay, sau một thời gian cơ quan chức năng tiến hành “nghiên cứu”, việc điều tra đã bị đình chỉ. Và rồi, dù có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, dân tộc học, xã hội học lên tiếng cùng sự vào cuộc của báo giới, nhưng vụ việc đã chìm trong im lặng một cách khó hiểu, dù có nhiều chứng cứ rõ ràng về vụ việc này…

Nén nỗi buồn, dù ngày ngày phải chạm mặt với những cột, xà cháy đen nhẻm và những hiện vật quý hiếm đã dày công sưu tầm, nhưng anh Hiếu vẫn nuôi hy vọng vào một phép màu nào đó để có thể phục dựng nhà Lang. Bạn bè, những người yêu di sản văn hóa ở nhiều vùng miền tìm đến, chia sẻ cùng Hiếu và rồi, mọi người nảy ý lập chiến dịch gây quỹ cộng đồng với tên gọi “Nhà Lang - giấc mơ hồi sinh”, tiến hành từ ngày 28.4 đến hết ngày 31.8.2015 với một loạt chương trình như: Trình diễn thời trang kết hợp với triển lãm sắp đặt, triển lãm ảnh nghệ thuật, triển lãm và đấu giá các tác phẩm mỹ thuật của cộng đồng nghệ sĩ đóng góp, gây quỹ trực tuyến…

Ngay sau khi có đủ nguồn kinh phí, việc phục dựng nhà Lang của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường được khởi động vào ngày 27.11.2015 và đến ngày 5.1.2016, phần mộc của nhà sàn được hoàn thành. Những phần khung cột cũ và xà, kèo bị cháy xém bên ngoài vẫn tiếp tục được sử dụng. Ngôi nhà sàn nhờ thế vẫn mang một phần “hồn vía vật chất” của nhà cũ.

Trong quá trình phục dựng nhà Lang, những phần có thể tái sử dụng, đã nhận được sự hỗ trợ, xử lý kỹ thuật (miễn phí hoàn toàn) của Viện Bảo tồn di tích Việt Nam. Phần mới thay thế gồm các bộ phận bằng gỗ chai, nghiến được sưu tầm từ nhà sàn của người Mường ở khu vực Thu Cúc (Phú Thọ) chuyển về. Một số bộ phận khác do anh Bùi Văn Cường - chủ xưởng gỗ ở Thanh Sơn (Phú Thọ) cung cấp. Phần thi công công trình do đội thợ làm nhà người Mường ở Tân Sơn (Phú Thọ) đảm nhiệm. Còn các hiện vật trong nhà Lang trước kia, có một số được gắn lắp lại từ những mảnh vụn như bộ súng săn, số còn lại chủ yếu được thay mới như bộ chiêng, gùi, chăn nệm, ấm chén, nồi đồng, bát đũa…

Về chương trình lễ khánh thành nhà Lang Mường ngày 15.1, họa sĩ Vũ Đức Hiếu cho hay, sẽ gồm một số nội dung, gồm: Lễ đắp bếp: Một nghi lễ Mo Mường quan trọng được thực hiện khi khánh thành một ngôi nhà mới theo đúng tập tục của người Mường. Nghi lễ được tiến hành bởi thầy mo Bùi Văn Phận (ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), từ 5 giờ sáng tới 12 giờ trưa; Triển lãm nghệ thuật (trưng bày các tác phẩm do nghệ sĩ trong toàn quốc ủng hộ cho chiến dịch gây quỹ cộng đồng phục hồi nhà Lang tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường); Biểu diễn nghệ thuật (múa sạp, dân ca Mường, biểu diễn cồng chiêng Mường, các trò chơi dân gian) và thưởng thức ẩm thực dân gian xứ Mường.

Với người dân tộc Mường, nhà Lang là ngôi nhà quan trọng nhất, không chỉ về kiến trúc, mà còn cả về ý nghĩa của nó trong đời sống tâm linh, văn hóa và sinh hoạt hằng ngày.

Được biết, lễ khánh thành nhà Lang sẽ có sự hiện diện của nhiều chuyên gia lịch sử và di sản văn hóa cùng các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, truyền thông và cộng đồng địa phương. “Chúng tôi hết sức trân trọng những nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng trong việc góp sức phục dựng nhà Lang. Việc làm này không chỉ dành cho bảo tàng và những người ở đây, mà chính là nhằm góp thêm tiếng nói, niềm tin vào công việc dài lâu của cả cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Mong rằng, câu chuyện mới của nhà Lang sẽ tiếp tục được kể bằng nhiều trái tim, giọng nói, nhiều ý nguyện cộng hưởng…” – họa sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ.

Lê Quang Vinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này