Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam

06:45 | 14/01/2016
“Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng năm 2030”, là nội dung chính của Hội thảo do Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ngành mía đường sẽ giảm 20% chi phí nếu được cơ giới hóa

Đường là một mặt hàng nhạy cảm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và làm nguyên liệu chế biến thực phẩm, được Nhà nước quản lý, điều tiết giá. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg về phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Dự án đã đặt mục tiêu quy hoạch là đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ đường trong nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam

Hội thảo góp ý báo cáo Quy hoạch mía đường đến năm 2020 và định hướng 2030

Tuy nhiên, thực tế phát triển và diễn biến thị trường đến thời điểm hiện nay đã khác so với quy hoạch. Do đó, cần phải rà soát, đánh giá lại thực trạng và khả năng phát triển của vùng nguyên liệu mía, đánh giá những mặt được và chưa được trong triển khai thực hiện Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ đó đề xuất “Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” với quan điểm và cách nhìn phù hợp với thực tế, giúp ngành mía đường phát triển ổn định.

Hiện nay, ngành đường Việt Nam có sức cạnh tranh yếu so với các nước, nguyên nhân chủ yếu do năng suất, chất lượng mía thấp, giá thành sản xuất nguyên liệu cao hơn nhiều so với các nước. Vì vậy, thời gian tới, nhiều biện pháp đồng bộ cần được thực hiện như thực hiện cơ giới hóa trong việc tưới cho cây mía, thay đổi cơ cấu giống mía cho phù hợp, quy hoạch liền vùng, liền khoảnh để tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam
Ngành mía đường Việt Nam đang có sức canh tranh yếu so với các nước trong khu vực

Mía là cây trồng có sinh khối lớn, có tiềm năng để sản xuất nhiên liệu sinh học, là nguồn năng lượng đang được cả thế giới quan tâm đầu tư phát triển. Trước mắt, các nhà máy đường có thể tận dụng phế phụ phẩm để sản xuất nhiên liệu sinh học như tận dụng rỉ mật để sản xuất cồn…Đây là một thế mạnh của ngành đường cần được khai thác và phát huy.

Các ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong bản dự thảo sẽ được Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối tập hợp, bổ sung để hoàn thiện “Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp mía đường trong tiến trình hội nhập.

Tổng hợp (Theo Mard.gov.vn)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này