Cảnh giác với nạn trộm cắp xe cuối năm

13:19 | 12/01/2016
Như một quy luật, vào thời điểm cuối năm, hoạt động của các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật lại diễn biến phức tạp. Lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người dân trong việc bảo vệ tài sản, các đối tượng tội phạm tăng cường hoạt động, bất chấp cả ngày lẫn đêm, với hành vi chuyên nghiệp và liều lĩnh. Trong đó, tội phạm trộm cắp xe máy đang có dấu hiệu manh động hơn trước. 
Phá đường dây trộm cắp xe máy tại Hà Nội
Tóm gọn 2 đối tượng trộm cắp xe máy lúc rạng sáng
Hà Nội: Phá đường dây trộm cắp xe SH chuyên nghiệp

Vào dịp cuối năm, nhiều người, nhiều gia đình tất bật với công việc và lo mua sắm chuẩn bị cho những ngày lễ, Tết… nên thường lơ là, mất cảnh giác trong việc phòng ngừa tội phạm. Đây cũng là thời điểm các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật lợi dụng để hành nghề. Đáng báo động, hầu hết các đối tượng đứng sau các vụ trộm cắp, trong đó có trộm cắp xe máy, là ổ nhóm tinh vi, cấu kết thành vòng tròn khép kín từ khâu đột nhập, trộm cắp đến tiêu thụ.

Theo Trung tá Mai Văn Thuần - Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội (PC45), ngay từ giữa năm 2015, nạn trộm cắp xe máy đã xảy ra dồn dập ở nội thành với gần 500 vụ. Trong đó, ở quận Đống Đa xảy ra 107 vụ, Cầu Giấy 74 vụ, Ba Đình 66 vụ... Thời gian xảy ra mất trộm thường là buổi trưa và tối. Theo lực lượng công an, nhiều người dân vừa dựng xe ở vỉa hè, quay lưng đi là xe đã “bốc hơi”. Lại có trường hợp có gia đình, bỏ tiền triệu ra lắp đặt camera, thế nhưng, dù nhìn thấy kẻ xấu đang manh động phá khóa xe, vẫn không trở tay kịp vì hành vi của chúng quá... chớp nhoáng. Tuy nhiên, cũng theo cơ quan công an, nhiều vụ trộm cắp xảy ra do chính nạn nhân chủ quan, không có tinh thần cảnh giác, nên đã tiếp tay cho các đối tượng phạm tội.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Vân Anh (ở quận Thanh Xuân Trung) dừng xe trên đường Nguyễn Quý Đức để mua mía. Vì nghĩ sẽ đi ngay và xe dựng sát bên người, nên chị Vân Anh vẫn cắm chìa khóa ở xe. Tuy nhiên, trong khi chị đang chọn mía, đã có đối tượng xấu lợi dụng sơ hở nhảy lên xe nổ máy. Rất may, chị Vân Anh đã kịp phát hiện, chạy bám theo xe, chấp nhận bị kéo lê chừng vài mét. Đối tượng trộm cắp vì sợ người dân bắt giữ nên bỏ xe tháo chạy. Lấy được xe, nhưng chị Vân Anh bị xước xát khắp người.

Cảnh giác với nạn trộm cắp xe cuối năm
Ảnh minh họa

Cũng do mất cảnh giác, dựng 2 xe máy ngoài hành lang trước cửa nhà với khóa cổng sơ sài, gia đình chị Nguyễn Thị Hòa (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) đã bị kẻ gian phá khóa, trộm luôn cả hai xe máy.

Trước bức xúc của dư luận, mới đây Phòng Cảnh sát hình sự - CA TP. Hà Nội vào cuộc điều tra và bắt giữ ổ nhóm gồm 17 đối tượng, do Nguyễn Đức Thọ - trú tại Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) cầm đầu. Chúng khai nhận đã trộm cắp 70 xe máy trong thời gian qua. Trung bình mỗi vụ từ 5-8 xe, điển hình như: Trộm 7 xe máy tại Trường Tiểu học Chu Văn An, 7 xe máy trong nhà xe Ban Quản lý dự án và báo Giao thông, 5 xe máy tại Trường Cao đẳng Điện tử điện lạnh... Toàn bộ số xe trộm cắp được Thọ và đồng bọn mang lên Bắc Giang, phá tháo lấy phụ tùng rồi bán sắt vụn. Theo các chiến sĩ Công an Hà Nội, thủ đoạn này không mới, nhưng phương thức tiêu thụ lại khá tinh vi theo kiểu “xẻ thịt” xe ăn trộm, nên tài sản bị mất khó tìm lại được.

Đầu tháng 11.2015, Công an huyện Mê Linh cũng phối hợp với Phòng PC45 điều tra, bắt giữ 3 đối tượng trộm cắp, tiêu thụ xe máy do Hoàng Văn Mười (SN 1978, trú tại Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cầm đầu. Ổ nhóm này đã thực hiện 15 vụ trộm cắp xe máy trót lọt, tiêu thụ hàng chục xe máy trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Vụ án cũng đang được điều tra mở rộng.

Thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP. Hà Nội, năm 2015, trên địa bàn Hà Nội xảy ra hơn 900 vụ trộm cắp xe máy. Riêng tháng 9, Hà Nội xảy ra 75 vụ, tăng 7 vụ so với tháng trước đó. Sang tháng 10, Hà Nội tiếp tục xảy ra 58 vụ. Cũng theo Trung tá Mai Văn Thuần, ngoài các ổ nhóm hoạt động có tổ chức từ giữa năm, đến tháng củ mật, thủ đoạn thường thấy của các đối tượng trộm cắp xe máy là đi theo... cặp, 2 đối tượng sử dụng một xe máy đi lòng vòng khắp các tuyến phố Hà Nội, các khu dân cư, nhà tập thể nhằm phát hiện xe máy nếu để “hớ hênh” ở vỉa hè, lòng đường, trước cửa nhà, cửa hàng...là ra tay trộm cắp. Sau khi trộm cắp được xe máy, các đối tượng gửi xe vào các bãi gửi xe tại bệnh viện, chung cư, bến xe..., sau đó tìm mối tiêu thụ.

Thời gian tới, Phòng Cảnh sát hình sự - CA TP tiếp tục phối hợp và đôn đốc các quận, huyện rà soát, bổ sung, quản lý số đối tượng đã từng trộm cắp tài sản, đồng thời tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các đường dây, ổ nhóm tội phạm. Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác. Người dân nên để xe ở nơi an toàn, tuyệt đối không để giấy tờ đăng ký xe trong cốp, hộc đựng đồ, tạo điều kiện cho các đối tượng dễ tẩu tán tang vật. Khóa cổ xe cẩn thận, khi đến những địa điểm công cộng phải gửi vào những điểm trông giữ xe được cấp phép. Không để xe ở trong ngõ, trước cửa nhà khi ngủ trưa mà cần phải cho xe vào trong nhà...Khi không may bị mất xe, người dân phải làm đơn trình báo ngay đến các cơ quan công an.

Lâm Khánh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này