Khi “người máy” tham gia phẫu thuật nội soi

12:18 | 08/01/2016
Phẫu thuật nội soi không còn là khái niệm mới mẻ nhưng với phẫu thuật nội soi bằng rô-bốt thì không phải ai cũng được biết đến. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ tháng 2.2014 đến hết ngày 3.1.2016, bệnh viện đã mổ thành công được 83 ca nội soi bằng rô-bốt. Đây có thể nói là trung tâm nhi khoa đầu tiên của Đông Nam Á và là nước thứ 3 ở châu Á thực hiện thành công mô hình phẫu thuật hiện đại này.
Robot mổ nội soi: Tổn thương nhỏ, phục hồi nhanh
Khánh thành Trung tâm Nội soi Tiêu hóa Việt Nam – Nhật Bản

Rô-bốt “ưu tiên” mổ bệnh nhi

Được biết, với các nước tiên tiến như: Mỹ, Hàn Quốc, Singapore đều đã ứng dụng phẫu thuật nội soi (PTNS) bằng rô-bốt trên người lớn. Khi chuyển giao công nghệ mới này về Việt Nam đòi hỏi các bác sĩ tìm tòi, nghiên cứu để điều chỉnh người máy bắt nhịp được nhiệm vụ mới. Có thể nói, đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và không cho phép sơ sẩy.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều trường hợp đã được mổ với phương pháp PTNS bằng rô-bốt thành công. Bé Nguyễn Gia Bảo (1 tuổi) được chẩn đoán u nang ống mật chủ - một bệnh lý khá phức tạp, được chỉ định phải điều trị sớm. Sau khi được chỉ định mổ bằng kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, sức khỏe của bé đã hồi phục nhanh chóng. Và hai trường hợp gần đây nhất là cháu Trần Thị Ngọc Bích (1 tuổi), bị phình đại tràng bẩm sinh, được mổ vào ngày 15.12.2015 và cháu Đồng Việt Anh (8 tuổi) bị hẹp khúc nối bể thận niệu quản, thực hiện vào ngày 17.12.2015, sức khỏe của các bé đã phục hồi ổn định.

Khi “người máy” tham gia phẫu thuật nội soi
Ứng dụng thành công kỹ thuật mổ nội soi rô-bốt trên trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tính từ tháng 2.2013 đến tháng 6.2015 đã có 65 bệnh nhi được PTNS bằng rô-bốt, gồm 38 bé trai và 27 bé gái, tuổi nhỏ nhất 3 tháng, lớn nhất 156 tháng, bệnh nhi cân nặng nhỏ nhất 4kg, lớn nhất 37kg, 25 trường hợp bị nang ống mật chủ (38,5%), 23 trường hợp Megacolon (35,4%), 11 trường hợp mắc hội chứng khúc nối bể thận niệu quản (16,9%) và 6 trường hợp gặp các bệnh lý khác trong ổ bụng và lồng ngực (9,2 %). Thời gian mổ từ 67 phút đến 330 phút, trung bình 180 phút.
Theo TS-BS Nguyễn Duy Hiền, Trưởng khoa ngoại (BV Nhi Trung ương), phẫu thuật rô-bốt có thể coi là bước tiến dài so với PTNS thông thường bởi camera của rô-bốt có thể phóng đại 12 lần, hình ảnh 3D, tư thế ngồi thoải mái… Trước kia, để điều trị u nang ống mật chủ thì phải phẫu thuật mở. Bác sĩ phải rạch ở thành bụng một đường dài, cắt nhiều cơ, vì thế người bệnh rất đau sau ca phẫu thuật và thời gian điều trị hậu phẫu lâu dài (từ 10-14 ngày mới được xuất viện), chưa kể nguy cơ bị nhiễm khuẩn, để lại sẹo sau mổ... Còn hiện nay, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt bỏ nang trong ống mật bằng rô-bốt. Nhờ kỹ thuật này, bệnh nhi đỡ đau đớn hơn vì đường rạch bụng nhỏ và hồi phục nhanh, chỉ sau 5 ngày đã được xuất viện… và đặc biệt là chưa ghi nhận trường hợp nào biến chứng nặng sau mổ.

“Ngoài ra, tính ưu việt của PTNS bằng rô-bốt còn được đánh giá cao ở chỗ cổ tay của rô-bốt có các khớp nên có thể chuyển động được 540 độ (quay được các chiều của không gian), trong khi với động tác này, người thường hay thiết bị mổ nội soi quy ước không thực hiện được. Góc phẫu thuật tinh vi này cho phép thiết bị luồn lách tới những ngóc ngách nhỏ hẹp nhất của cơ thể nhưng không tì đè, xâm lấn những vùng xung quanh”, bác sĩ Hiền cho biết thêm.

Đáp ứng được kỳ vọng

Theo TS-BS Hiền, phẫu thuật nội soi bằng rô-bốt có thể thực hiện với nhiều trường hợp như cắt khối u tiền liệt tuyến, cắt dạ dày, cắt gan, cắt phổi, cắt tử cung... Đặc biệt, hệ thống phẫu thuật nội soi rô-bôt rất có hiệu quả đối với bệnh u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật. Tuy nhiên, tại BV Nhi Trung ương, phẫu thuật này được thực hiện với 4 nhóm bệnh chính: U nang ống mật chỉ, phình đại tràng bẩm sinh, hội chứng khúc nối niệu quản - bể thận và các bệnh lý lồng ngực.

Được biết, PTNS bằng rô-bốt được thực hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào những năm cuối 80 của thế kỷ trước. Hiện nay, PTNS rô-bốt đã trở thành phương pháp phẫu thuật phổ biến tại các khu vực: Châu Âu, Bắc Mỹ,… Sau gần 2 năm ứng dụng kỹ thuật mới này tại BV Nhi Trung ương, hơn 80 bệnh nhi đã được phẫu thuật thành công. Việt Nam là nước thứ 3 ở châu Á và nước đầu tiên tại Đông Nam Á thực hiện thành công kỹ thuật hiện đại, phức tạp này ở trẻ nhỏ.

“Công nghệ này được xác định chủ yếu dành cho người lớn, do đó khi thực hiện PTNS trên bệnh nhi nó cũng nẩy sinh một số nhược điểm nhỏ như: Với trẻ nhỏ dưới 10 kg, việc đặt các dụng cụ phẫu thuật trên thành bụng sẽ khó khăn do thành bụng trẻ hẹp, khi dụng cụ liền nhau sẽ gây va đập trong quá trình phẫu tích (tách các thành phần cấu tạo của một bộ phận, một vùng). Để rô-bốt chấp nhận phẫu tích ở khoảng cách hẹp mà vẫn an toàn, các bác sĩ đã “biến tấu” bằng cách kê bệnh nhân cao hơn và điều chỉnh phù hợp với tầm nhìn của rô-bốt” - bác sĩ Hiền giải thích.

Theo như chia sẻ của TS-BS Hiền, rô-bốt nội soi có giá khoảng 90 tỉ đồng, chi phí bảo hành, dụng cụ kèm theo cũng rất đắt. Ở nước ngoài, 1 ca phẫu thuật bằng rô-bôt có chi phí từ 4.000-5.000 USD. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chi phí ca mổ vẫn như một ca mổ nội soi thông thường, nhưng xét về lâu dài bệnh viện khó có thể hỗ trợ được, vì vậy rất cần một chiến lược mang tính dài hơi. Về tương lai xa, mong rằng có thêm nhiều nước có thể sản xuất được rô-bốt PTNS như vậy để giá thành rô-bốt nội soi sẽ không đắt như hiện nay. Trước mắt, cần có sự tham gia hỗ trợ từ phía BHYT để nhiều người dân nghèo có điều kiện tiếp cận với phương pháp PTNS hiện đại này.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này