Mùa lễ hội 2016: Có loại được “sạn”?

10:13 | 09/01/2016
Trước mùa lễ hội 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Thông tư 15/2015 nhằm loại bỏ dần các yếu tố phản cảm trong mùa lễ hội. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thông tư này có loại được “sạn” trong mùa lễ hội 2016 hay không, còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Chấm điểm công tác tổ chức, quản lý mùa lễ hội năm 2015
Nỗi lo đi lại mùa lễ hội

Nhiều tồn tại

Theo Cục Văn hóa cơ sở, trong năm 2015, tình trạng ùn tắc, chen lấn, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch trong di tích, lễ hội, nạn cờ bạc, mê tín dị đoan, ăn xin ăn mày giảm đáng kể. Ban quản lý một số di tích, lễ hội như: Đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), chùa Keo (Thái Bình), miếu Bà Chúa Sứ (Núi Sam)…đã bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, tiền đèn nhang trong di tích đúng quy định. Tuy vậy, tình trạng thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, tình trạng vứt rác bừa bãi, tranh khách làm mất an ninh, trật tự vẫn chưa được khắc phục triệt để. Hiện tượng đốt vàng mã không đúng nơi quy định vẫn xảy ra.

Mùa lễ hội 2016: Có loại được “sạn”?
Ảnh minh họa

Lý giải về những hạn chế trong lễ hội chưa được khắc phục, bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - nhận định, bởi lễ hội ở một số địa phương chưa có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa được phát huy. Đáng nói hơn, nhận thức về giá trị, ý nghĩa của di tích, lễ hội chưa cao, ý thức thực hiện nếp sống văn minh còn hạn chế, khiến một số lễ hội giảm đi giá trị, ý nghĩa tốt đẹp vốn có.

Còn theo ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, những tồn tại trong một số lễ hội chưa được loại bỏ còn do một số lễ hội mở ra chủ yếu mang mục đích thương mại nên đã tổ chức bán vé, thu tiền, để các trò cờ bạc diễn ra trong khu vực lễ hội.

Cuối năm 2015, lần đầu tiên, Bộ VHTTDL đã tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh, thành phố và đại diện các cơ quan báo chí để chấm điểm công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2015. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, việc này chỉ mang tính hình thức, bởi các cấp quản lý, báo giới không thể tham dự hết hàng nghìn lễ hội lớn, nhỏ diễn ra trong năm, nên đa phần chỉ đánh giá theo cảm tính.

Mạnh tay để chống nhờn

Trước mùa hội năm 2016, để loại dần những “hạt sạn” không đáng có trong hoạt động lễ hội, ngày 22.12.2015, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư 15/2015 quy định về tổ chức lễ hội với nhiều giải pháp mạnh tay hơn so với những năm trước. Theo đó, từ năm 2016 trở đi, các địa phương tổ chức lễ hội dân gian buộc phải thành lập ban tổ chức (BTC) gồm đại diện chính quyền, ngành văn hóa và các ngành liên quan. BTC có trách nhiệm quản lý, điều hành lễ hội theo đúng chương trình đã thông báo hoặc xin phép, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các nghi lễ truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh, bảo đảm an ninh, an toàn trong lễ hội. Nghi lễ trong lễ hội cần được tiến hành trang trọng trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp. Phần hội phải bảo đảm vui, lành mạnh, đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội.

Đặc biệt, thông tư cũng đưa ra, những lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá hành vi tội ác như việc mô tả cảnh đâm chém, đấm đá tàn bạo, rùng rợn hoặc những lễ hội có tính chất dị đoan, trái với tự nhiên thì sẽ không được tổ chức. Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2015 vừa diễn ra tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu tán thành với những giải pháp mới của Bộ VHTTDL. Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh (nơi tổ chức lễ hội Chém lợn, đã thu hút sự quan tâm của dư luận, truyền thông suốt thời gian qua), cho biết, mùa lễ hội 2016, nhân dân Bắc Ninh vẫn tổ chức lễ hội này, với phương thức nhưng sẽ điều chỉnh cho phù hợp, nhà nước và nhân dân cùng làm. Đại diện tỉnh Bắc Ninh hứa sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý và cùng cộng đồng và tìm ra hình thức tổ chức phù hợp hơn tại mùa lễ hội 2016.

Trao đổi với LĐTĐ, GS Trần Lâm Biền cho rằng, những chỉ thị, nghị định, thông tư mà của cơ quan nhà nước đưa ra nhất định phải được thực thi theo đúng pháp luật. Đôi khi, giữa nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước không có cách đánh giá đồng nhất. Các nhà nghiên cứu thường nhìn lễ hội dưới con mắt truyền thống hay nghệ thuật, còn cơ quan quản lý thì thiên về chính trị. Nếu như dung hòa được cả hai thì sẽ có được hiệu quả tốt hơn.

GS Trần Lâm Biền cũng đồng tình với thông tư. Tuy nhiên, để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ bản chất của lễ hội, để thực thi pháp luật không phải là việc làm một sớm một chiều. “Thông tư mới có hiệu quả hay không phải qua mùa lễ hội năm nay để rút kinh nghiệm và các lễ hội dân gian ngày một tổ chức tốt hơn, tránh phản cảm. Nếu thông tư chưa thích hợp thì cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh. Nhưng nhất định phải thực hiện nghiêm, từ người dân đến chính quyền – nơi tổ chức lễ hội; chế tài xử phạt cũng phải mạnh, thì mới hiệu quả, nếu không, chính sách có, nhưng sẽ như không, tạo thành nếp mòn trong suy nghĩ và tư duy của người tham gia hội...” – GS Trần Lâm Biền nói.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này