Luật An toàn thông tin mạng:

Có đẩy lùi được tội phạm công nghệ cao?

12:10 | 08/01/2016
Trong thời đại công nghệ cao phát triển, các đối tượng tội phạm đặt cơ quan chức năng trước nhiều thách thức: Phải có biện pháp theo dõi để ngăn chặn đẩy lùi, đồng thời phải hết sức thận trọng, để không vi phạm quyền bí mật đời tư của công dân. Chính vì vậy, Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) được ban hành nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tội phạm công nghệ cao tăng, tội phạm tham nhũng giảm
Quý bà "xì tin" dính bẫy tội phạm công nghệ cao

Ban hành luật là cần thiết

Hiện nay, thông tin cá nhân của công dân đang được các doanh nghiệp “săn lùng” để quảng cáo, bán các sản phẩm dịch vụ. Không ít trang mạng rao bán công khai bộ danh bạ điện thoại và thông tin cá nhân của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức. Vào Google, đánh cụm từ “bán danh bạ khách hàng”, sẽ thấy rõ điều này. Những đối tượng muốn sở hữu danh bạ thường là các công ty bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, quảng cáo… Họ chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ, lập tức có cả triệu thông tin cá nhân, tha hồ thực hiện những cuộc gọi tiếp thị, những tin nhắn quảng cáo “tra tấn” khổ chủ.

Có đẩy lùi được tội phạm công nghệ cao?
Một website bán danh bạ khách hàng.

Chính vì vậy, Luật ATTTM được ban hành nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân rất cần thiết. Luật ra đời sẽ đẩy mạnh giám sát, phòng, chống nguy cơ mất ATTTM, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Luật ATTTM mới ban hành cũng có sự tham gia của 3 cơ quan: Bộ Thông tin và Truyền thông (chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện, danh mục sản phẩm, dịch vụ...), Bộ Quốc phòng (chịu trách nhiệm về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng và quy định về mật mã dân sự), Bộ Công an (chịu trách nhiệm ngăn chặn sử dụng mạng để khủng bố).

Tránh “giơ cao đánh khẽ”

Để xác định sai phạm trong đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao không hề đơn giản, nên cần phải có những văn bản quy định rất rõ ràng về hành vi vi phạm, mức xử lý vi phạm. Theo luật sư Ngọc Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): “Cần phải nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tôn trọng quyền bí mật đời tư của người khác. Chỉ khi người dân thấy rằng hành vi tiết lộ thông tin cá nhân của người khác là một hành vi xấu, thậm chí vi phạm pháp luật, thì họ sẽ không làm. Hơn nữa, đối tượng vi phạm thường trong “bóng tối”, thông qua các thiết bị công nghệ hiện đại để phạm tội, phạm vi hoạt động rất rộng, thậm chí ngồi ở nước này gây án ở nước khác. Do vậy, Luật ATTT mạng tăng cường cả 3 bộ cùng vào cuộc đấu tranh cho thấy quyết tâm của chúng ta trong việc ngăn chặn tội phạm”.

Hiện tại, cơ quan chức năng tại Việt Nam rất khó xác định được ai là “thủ phạm” tiết lộ thông tin cá nhân. Bởi lẽ, hầu hết các giao dịch hiện nay - từ mua sắm, điều tra xã hội học, khám, chữa bệnh, nhận quà khuyến mại… đều yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, thậm chí cả những thông tin mang tính chất riêng tư cũng được khai thác.

Luật sư Trịnh Nam Ninh (VPLS Quốc Thái) cho rằng: Khi sự cố xảy ra, rất khó xác định là nhà mạng viễn thông, ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các siêu thị, hay cá nhân… đã cung cấp danh bạ và các thông tin cá nhân. Thực tế, công dân không xác định được bí mật của mình bị lộ trong tình huống nào. Vì thế, nhiều năm qua, cơ quan chức năng không xử lý được tình trạng tin nhắn rác, khủng bố điện thoại, lừa đảo… Thậm chí có hiện tượng nhà mạng viễn thông “bắt tay” với tổng đài để “móc túi” khách hàng. Có trường hợp xử phạt kiểu “giơ cao đánh khẽ”, ví dụ Thanh tra Sở TTTT Hà Nội phát hiện Cty Vinamob lừa đảo ăn cắp của các chủ thuê bao số tiền gần 2,7 tỉ đồng. Thế nhưng, Cty Vinamob chỉ bị xử phạt vẻn vẹn 50 triệu đồng. Điều này là rất vô lý và không đủ sức răn đe ngăn ngừa vi phạm.

Thành Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này