Bình chữa cháy trong ôtô: Để ở đâu và dùng loại nào?

14:10 | 08/01/2016
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 57, có hiệu lực từ 6/1 quy định, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị phương tiện PCCC. Tuy nhiên, khi thực hiện Thông tư này có khá nhiều người băn khoăn dùng loại gì, bảo quản và sử dụng thế nào để an toàn, đúng quy định.
Bắt đầu xử phạt ô tô thiếu bình chữa cháy

Dùng bình cứu hỏa loại nào?

Điểm lưu ý đầu tiên là các loại xe du lịch từ 4 - 9 chỗ bắt buộc phải có một bình cứu hỏa, thuộc một trong những chủng loại sau: bình bột dưới 4kg, bình bọt dưới 5L, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5L hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4kg. Trên thị trường hiện nay, bình cứu hỏa dùng cho ô tô có hai loại: Bình 1kg và 500ml. Đa phần đều xuất xứ từ Trung Quốc.

Bình chữa cháy trong ôtô: Để ở đâu và dùng loại nào?
Trên thân bình cứu hỏa hoặc tem của nhà nhập khẩu sẽ ghi đầy đủ các thông tin về chất liệu chống cháy. (ảnh dantri.vn)

Bình 500 ml có ưu điểm là nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ có thể cất giữ ở bất cứ chỗ nào trong xe, ngoài công dụng chữa cháy trên ô tô, bình có thể dùng ở văn phòng, khu bếp tại nhà, nhà kho, nhà xưởng, dùng khi đi cắm trại, du lịch. Trước khi dùng thì lắc mạnh sau đó xịt thẳng vào đám cháy, thời gian xịt từ 5-8 giây. Nhược điểm là chỉ dùng một lần, phần vỏ bình mỏng. Giá của loại 500 ml là 80.000 đồng.

Bình chữa cháy trong ôtô: Để ở đâu và dùng loại nào?
Người dùng nên chọn loại bình phù hợp với kích cỡ xe. (ảnh otofun.net)

Tiếp theo là loại bình 1kg. Loại này có thể nạp lại sau khi sử dụng, vỏ bằng thép chắc chắn hơn, nhiệt độ bảo quản từ -22 độ C tới 55 độ C. Tương tự bình 500ml, bình 1kg cũng phải lắc mạnh trước khi dùng, rút chốt rồi xịt thẳng vào điểm cháy, thời gian chữa cháy tương đối dài. Trước mỗi lần nạp mới và sau 5 năm sử dụng, vỏ bình phải được kiểm tra thủy lực, sau khi đạt cường độ yêu cầu (tối thiểu là 30 MPa) mới được phép sử dụng. Bình 1kg có mức giá 110.000 đồng.

Bình chữa cháy ô tô nên đặt ở đâu?

Sau khi đã có được một bình chữa cháy như ý, vấn đề tiếp theo là đặt nó ở đâu cho an toàn, tránh gây ra những tai nạn đáng tiếc.

Theo Dân trí, vị trí tốt nhất dành cho chiếc bình cứu hỏa là ở dưới gầm ghế, dưới chân hành khách phía trước; hoặc hốc để đồ trên cánh cửa. Điểm cốt lõi là phải đặt bình chữa cháy ở vị trí gần với người lái để thuận tiện khi có sự cố xảy ra; tuyệt đối không để bình chữa cháy trong tầm tay trẻ nhỏ để tránh bất trắc.

1451986875-1451986307-binh-cuu-hoa-5
Người dân cũng có thể đặt bình cứu hỏa ở cánh cửa (gần ghế trước) thuận tiện cho việc chữa cháy (Ảnh: Dân Việt)

Trả lời báo Dân Việt, Thượng tá Trần Quốc Thường, Phó phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 9 cũng khuyến cáo: “Người dân lưu ý không để bình cứu hỏa ở cốp sau của xe ô tô bởi vì vị trí này dễ xảy ra va đập gây cháy nổ. Để đảm bảo an toàn lái xe nên đặt bình cứu hỏa ở nơi dễ nhìn, dễ lấy như bên cánh cửa phải, gần ghế ngồi phía trước của xe ô tô”, thượng tá Thường nói.

Thượng tá Thường cũng cho lưu ý, người dân khi đi mua bình cứu hỏa mini nên chọn cửa hàng uy tín, có dán tem kiểm định cơ quan chức năng. Khi nhận bình phải kiểm tra kỹ hạn sử dụng ở dưới đáy bình; vòi phun; van hãm; thân bình.

Bình chữa cháy trong ôtô: Để ở đâu và dùng loại nào? Bình chữa cháy trong ôtô: Để ở đâu và dùng loại nào? Bình chữa cháy trong ôtô: Để ở đâu và dùng loại nào?
Những vị trí phù hợp có thể để bình chữa cháy trên xe (ảnh dantri.vn)

Ngoài ra cũng cần lưu ý là tùy từng loại bình cứu hỏa (dạng bột hay dạng khí) sẽ có thời gian sử dụng khác nhau, do đó cần lưu ý để luôn đảm bảo rằng bình cứu hỏa trong xe luôn trong tình trạng tốt nhất (thường đối với bình cứu hỏa dạng bột loại 1kg có thể tới 5 năm, đối với bình khí CO2 thì phụ thuộc vào lượng khí bên trong - đo bằng cách cân bình).

Q.Đại (tổng hợp)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này