Kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với sinh viên:

Nâng cao tri thức để phục vụ đất nước

09:19 | 07/01/2016
Thay vì tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đến 25 tuổi, Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 của Quốc hội đã kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ lên thành 27 tuổi. Đây là chính sách đúng đắn trong điều kiện thực tế hiện nay, bởi nó giúp cho các sinh viên hoàn thành được chương trình học, nâng cao tri thức khi nhập ngũ, có điều kiện phục vụ đất nước nhiều hơn…
Nghĩa vụ quân sự không thể thay thế bằng đóng tiền
Học chính quy mới hoãn nhập ngũ

Từ ngày 1.1.2016, Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 đã có hiệu lực, trong đó có nội dung đáng chú ý là công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ kéo dài đến hết 27 tuổi (thay vì 25 tuổi như trước đây).

Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến 25 tuổi. Công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Tuy nhiên, những công dân được gọi nhập ngũ phải đảm bảo một số tiêu chuẩn như lý lịch rõ ràng; Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trường của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; Có đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định và có trình độ văn hóa phù hợp.

Đánh giá về Luật Nghĩa vụ quân sự mới, nhiều người cho rằng đã đảm bảo được sự bình đẳng cho mọi người trước pháp luật về thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Hiến pháp, đồng thời đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của quy định trước đây, giúp công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học vừa thực hiện được quyền, nghĩa vụ học tập, vừa thực hiện được nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; Cũng như nâng cao được chất lượng thanh niên gọi nhập ngũ và tham gia các nghĩa vụ khác trong xây dựng tiềm lực quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

Nâng cao tri thức để  phục vụ đất nước
Niềm vui ngày nhập ngũ.

Ngoài việc giãn thời gian gọi nhập ngũ, Luật Nghĩa vụ quân sự mới còn tạo đảm bảo chế độ cho những người tham gia nghĩa vụ quân sự về BHXH, BHYT theo quy định của Luật BHXH, BHYT; Được tãm hoãn trả và không tính lãi khoản vay từ ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật; Được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự…

Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được: Cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ; Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó; Được trợ cấp tạo việc làm; Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ…

Luật Nghĩa vụ quân sự mới có hiệu lực không chỉ giúp nâng cao tri thức để phục vụ đất nước mà còn là cánh cửa mở cho công dân được nhập ngũ, cống hiến lâu dài cho quân đội, đất nước.

“Gia đình em có truyền thống theo quân đội, em cũng rất thích, nhưng thi vào Học viện Biên phòng thì bị trượt. Thi năm thứ 2 cũng không đậu, em đành theo học hệ trung cấp ở Trường Cao đẳng Truyền hình. Vừa học, em vừa thi hệ tại chức ở Trường Đại học KHXH&NV. Mấy năm gần đây, cứ vào tháng 2, tháng 3 là em lại có giấy gọi đi khám tuyển nghĩa vụ. Bây giờ biết là thời gian gọi nhập ngũ được giãn ra đến 27 tuổi, lúc ấy em học xong rồi, nên không ngại. Không những thế, theo quy định, những người có bằng cấp, khi nhập ngũ sẽ được ưu tiên tuyển sinh quân sự nữa, như vậy giấc mơ vào trong quân đội của em sẽ có thể thành hiện thực” - Nguyễn Hoàng Hải (sinh viên Trường Đại học KHXH&NV) chia sẻ.

Lùi thời gian gọi nhập ngũ, cộng với chính sách ưu tiên cho những người có trình độ trong tuyển sinh quân dự đã tạo điều kiện cho nhiều sinh viên được hoàn thành chương trình học, nâng cao tri thức để công dân có thể phục vụ đất nước tốt hơn là điều mà Luật Nghĩa vụ quân sự mới hướng tới.

Khi biết Luật Nghĩa vụ quân sự mới có hiệu lực, Nguyễn Nam Phong (quê Mỹ Đức, Hà Nội) cũng vui mừng chia sẻ: “Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết cấp 3 em phải nghỉ học ở nhà. Muốn học nghề cũng không có tiền, nên em chỉ biết làm nông nghiệp, rảnh rỗi chút thì đi làm phu hồ. Sắp tới có đợt tuyển nghĩa vụ, em nhất định sẽ tham gia. Bởi lẽ, khi vào trong quân đội, em sẽ được rèn luyện sức khỏe, tri thức và lối sống lành mạnh. Ngoài ra, sau khi xuất ngũ, em còn được trợ cấp tạo việc làm, học nghề nữa…”.

Ngô Bảo Chi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này