Thực hiện lời hứa sau chất vấn vẫn đang trong lộ trình

11:02 | 18/11/2014
Chất vấn, trả lời chất vấn không chỉ là sự giải trình của bên được chất vấn mà sâu xa còn là những lời hứa của những người đứng đầu các bộ ngành về việc sẽ làm trước các kiến nghị của cử tri. Vậy, tại kỳ họp này, một số thành viên Chính phủ thực hiện lời hứa của mình trước cử tri tại kỳ họp thứ 7 và các kỳ họp trước thế nào?

An toàn thực phẩm vẫn vậy!

Một trong những vấn đề cử tri quan tâm tại kỳ họp QH trước là bao giờ sẽ chấm dứt vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa nông sản? Tại kỳ họp này, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo thực hiện NQ của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 cho biết: Đến nay Chỉnh phủ, các bộ, ngành đã ban hành 123 quy chuẩn kỹ thuật, 200 tiêu chuẩn Việt Nam và đang xây dựng 117 quy chuẩn kỹ thuật, 194 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến vật tư nông nghiệp. Đã chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình điểm chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại các địa phương. Hiện có 61/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; một số chi cục đã thành lập đơn vị cung ứng dịch vụ kiểm nghiệm và tư vấn về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Hệ thống thanh tra chuyên ngành được thành lập và đi vào hoạt động ở hầu hết các địa phương.

Tuy nhiên, vấn đề cử tri quan tâm là tình trạng mất an toàn thực phẩm và hàng hóa nông sản đã chuyển biến đến đâu thì chưa được nói rõ trong báo cáo. Còn thực tế người tiêu dùng vẫn nơm nớp nỗi lo thực phẩm kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường.

Kiện toàn bộ máy, vẫn dậm chân

Nội dung thứ hai được các đại biểu QH quan tâm là bộ máy hành chính cồng kềnh, về vấn đề này theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện Chính phủ đã tổng kết thực hiện và soạn thảo, trình Quốc hội các dự án Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Xây dựng đề án mô hình chính quyền địa phương, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổng cục và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thực hiện các kết luận Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, cải cách tiền lương. Đã phê duyệt tổng biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2014 trên nguyên tắc giữ ổn định biên chế công chức đến năm 2016. Xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phấn đấu đến năm 2015 phê duyệt đề án vị trí việc làm của 70% các cơ quan, đơn vị. Thí điểm thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng. Sớm ban hành nghị định về chính sách tinh giản biên chế.

Như vậy, lời hứa mà người đứng đầu ngành nội vụ về cải cách bộ máy hành chính đến nay vẫn đang trong lộ trình.

Minh bạch tài chính

So với các kỳ họp trước, đây là kỳ họp mà cử tri khá hài lòng về báo cáo chi tiết vấn đề nợ công, chi tiêu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp về tình hình kinh tế- xã hội năm 2014. Trong báo cáo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm: Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP, nợ Chính phủ 42,3% GDP; dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP, nợ Chính phủ 46,9% GDP, nằm trong giới hạn cho phép. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ lệ vay trong nước với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn. Kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu nợ đối với các khoản vay về để cho vay lại. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định. Ngoài ra, còn sử dụng một phần vay mới để đáo nợ với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, góp phần giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn (năm 2014 vay đảo nợ khoảng 77 nghìn tỷ đồng). Việc đảo nợ này không làm tăng nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cũng liên quan đến lĩnh vực tài chính, Phó Thủ tướng cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, hải quan, tăng cường công tác kê khai thuế qua mạng Internet, nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế; triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế và tham gia cơ chế một cửa ASEAN. Trong năm 2014 giảm thời gian nộp thuế khoảng 290 giờ/năm; phấn đấu đến năm 2015 thời gian thông quan giảm xuống còn 14 ngày đối với hàng xuất khẩu, 13 ngày đối với hàng nhập khẩu.

Ý kiến đại biểu

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):  Về  cơ bản tôi đồng tình với báo cáo chi tiết của Chính phủ, song có lẽ thời gian có hạn, mà một số vấn đề chưa được làm rõ trong bản báo cáo. Do vậy,  các đại biểu Quốc hội đề nghị phải làm rõ một số vấn đề như về chính sách an sinh xã hội, nhà ở xã hội, hàng giả, hàng nhái, thực phẩm không an toàn ảnh hưởng lớn  đến sinh mạng con người. Vấn đề này nói đã nhiều nhưng chưa thể khắc phục được. Đặc biệt, hàng lậu qua biên giới, tuồn vào nước ta ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và hàng hóa trong nước. Vấn đề tôi quan tâm tại kỳ chất vấn này là phải làm rõ vai trò của các bộ, người đứng đầu các bộ. Về mặt tổng thể, chúng ta đưa ra các giải pháp rất kịp thời, song khâu thực thi lại chưa tốt. Trách nhiệm cá nhân cũng chưa được quy định rõ.

ĐB Vũ Công Tiến, Trưởng đoàn đại biểu QH Lâm Đồng: Vấn đề tôi quan tâm là làm sao kiện toàn bộ máy cho gọn nhẹ và tinh thông. Trước đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nói nhiều về vấn đề này, song điều quan trọng làm thế nào kiện toàn bộ máy thì đến nay vẫn chưa làm được.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, để bộ máy bớt cồng kềnh, hoạt động hiệu quả, chúng ta cần nghiên cứu tổ chức bộ máy thế nào cho phù hợp để làm sao giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền cũng như quản lý hoạt động của chính quyền. Tôi ví dụ, mối quan hệ giữa cơ quan tổ chức của Đảng với cơ quan nội vụ của chính quyền, tuyên giáo của Đảng với cơ quan quản lý thông tin của chính quyền... Những lĩnh vực này có thể nhập lại được không? Nếu được chúng ta vẫn tuân thủ đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, song lại không có sự cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ...

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Có 03 vấn đề cần phải giải quyết triệt để, đó là: Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu; Giảm bộ máy biên chế; Quản lý tài sản nhà nước; Xây dựng niềm tin cho nhân dân xóa bỏ văn hóa “phong bì”. Về cải cách hành chính thì đã giảm bớt được một số thủ tục, nhưng tinh giản bộ máy biên chế thì không giảm được. Rõ ràng bộ máy ngày càng phình ra và số biên chế ngày càng tăng. Bây giờ các cơ quan nhiều phó quá, một phòng chỉ có 3 người cũng có một trưởng, một phó. Lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Thứ trưởng cũng thế, quá nhiều, chúng ta sử dụng tiền thuế của dân thì phải làm sao cho có hiệu quả. Tôi đề nghị chỉ có 1 đến 2 cấp phó thôi.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này