Sản xuất, lưu hành phân bón giả: Nông dân thiệt một, quốc gia thiệt mười

Chủng loại nhiều, chất lượng thấp

06:50 | 24/12/2015
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, nông phẩm, hàng hóa của chúng ta phải thực sự đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật của FTA, TPP. Muốn vậy, điều đầu tiên là những sản phẩm đầu vào cho nuôi, trồng phải đảm bảo chất lượng.
Phân bón giả tràn lan

Theo kết quả điều tra mới nhất của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước hiện có trên 1.000 cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón và khoảng 16.000 cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh mặt hàng này. Nếu quy ra số dân, cứ khoảng 94 ngàn người thì có một cơ sở sản xuất phân bón. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hạc Thuý - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - ngay như Trung Quốc là nước có quy mô sản xuất nông nghiệp gấp 10 lần Việt Nam, nhưng họ chỉ có khoảng 700 DN, cơ sở sản xuất phân bón. Còn Thái Lan cũng chỉ dùng khoảng 100 chủng loại phân bón cho nông nghiệp.

Chủng loại nhiều, chất lượng thấp
Việc kiểm soát chất lượng phân bón cần được thống nhất trong quản lý.

Điều đáng nói, tại những quốc gia có tỉ trọng nông nghiệp lớn và những quốc gia phát triển, họ chỉ sử dụng khoảng 20 - 30 loại phân bón, còn Việt Nam có tới gần 7.000 chủng loại. Vì vậy, phân bón giả dễ trà trộn và tiêu thụ dễ dàng. Đó cũng chính là câu trả lời tại sao năng suất nông nghiệp của Việt Nam thấp, chất lượng sản xuất sản phẩm không cao.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay: Trong số những vụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhái nhãn mác đã bị phát hiện, xử lý thì phân bón giả (tổng hàm lượng dinh dưỡng <70% so với đăng ký) - chiếm 15%; phân bón kém chất lượng (tổng hàm lượng dinh dưỡng>70%, nhưng <90% theo quy định) - chiếm 35- 40%; nhãn mác bao bì ghi trên bao bì phân bón sai so với Nghị định 89/CP về nhãn mác bao bì - chiếm 50-60%; nhãn mác gian lận thương mại cũng như gây nhầm lẫn cho người sử dụng phân bón (ví như tên phân bón NPK20.20.15, nhưng thành phần chính chỉ là N:6;P2O5:6;K2O:6) - chiếm 5-10%. Đó là lý do vì sao Việt Nam là quốc gia có số lượng cơ sở, DN kinh doanh và danh mục sản phẩm phân bón thuộc diện cao của thế giới, nhưng lại là quốc gia có hiệu suất sử dụng phân bón thuộc nhóm thấp của thế giới hiện nay, chỉ đạt 45-50%. Vì thế, việc sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng mỗi năm làm thiệt hại cho ngành nông nghiệp khoảng 2 tỉ USD (tương đương khoảng 45 ngàn tỉ đồng theo tỉ giá hiện hành).

Vấn đề đặt ra tại sao lại có nhiều cơ sở, DN sản xuất phân bón đến vậy? Câu trả lời chỉ có thể sản xuất các mặt hàng này khá đơn giản, và việc làm hàng giả, hàng kém chất lượng có lợi nhuận rất cao. Ngoài ra, còn do công tác quản lý còn khá buông lỏng, thậm chí thiếu sự thống nhất giữa các bộ, ngành. Ví dụ, hiện Bộ Công Thương quản lý chất lượng các loại phân bón vô cơ, còn Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ. Mỗi bộ có một cách quản lý riêng và có những trung tâm kiểm định chất lượng riêng, không có đơn vị nào đứng ra làm đầu mối.

Vì vậy, đã xảy ra tình trạng khi lực lượng chức năng nghi vấn một sản phẩm nào đó, đưa đi kiểm định thì không có kết quả thống nhất - có nơi kết luận là hàng giả, nhưng lại có trung tâm kiểm định kết luận là hàng đạt tiêu chuẩn. Lợi dụng sự quản lý không thống nhất này, nhiều doanh nghiệp đã dễ dàng chạy chọt để “đổi trắng, thay đen” kết quả giám định phân bón.

Tuệ Giang
Kỳ 2: Tại sao phân bón giả có đất sống?

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này