Hà Nội

Đảm bảo hộ nghèo được xem truyền hình chất lượng cao

06:42 | 19/12/2015
Từ ngày 1.1.2016, Hà Nội sẽ ngừng phủ sóng mặt đất đối với các kênh VTV6, H2, VTC9 tại Hà Nội, qua đó tiến tới lộ trình từ 1.4.2016 sẽ ngừng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất. Để thực hiện đề án này, TP đang gấp rút triển khai các hạng mục nhằm hỗ trợ các hộ nghèo và hộ cận nghèo trong việc chuyển đổi sang sử dụng truyền hình số.
Cấp học bổng cho HS, SV dân tộc thiểu số diện hộ nghèo
34.409 hộ nghèo cần sự hỗ trợ
Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 4%

Theo thống kê của UBND thành phố, Hà Nội hiện có 34.409 hộ nghèo và 44.639 hộ cận nghèo (theo chuẩn của thành phố) và 11.075 hộ nghèo và 23.334 hộ cận nghèo (theo chuẩn của trung ương). Để bảo đảm 100% số hộ gia đình đều được sử dụng truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích sẽ mua đầu thu và hỗ trợ lắp đặt cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn của trung ương) đã có máy thu hình và chưa sử dụng dịch vụ truyền hình số, truyền hình cáp, truyền hình internet. Còn ngân sách thành phố sẽ mua đầu thu cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố. Thành phố cũng kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm năng về kỹ thuật, công nghệ và tài chính đồng hành hỗ trợ thiết bị đầu thu truyền hình số mặt đất miễn phí cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn.

Đảm bảo hộ nghèo được xem truyền hình chất lượng cao
Truyền hình số cho chất lượng tín hiệu, hình ảnh, âm thanh tốt hơn truyền hình analog.

Bên cạnh việc hỗ trợ này. Đài PTTH Hà Nội đã đưa vào sử dụng Trung tâm Truyền dẫn phát sóng và cột ăng-ten cao 250m tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), đồng thời tích cực triển khai thực hiện dự án Chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất - phát sóng truyền hình, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất - truyền dẫn phát sóng của đài. Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng RTB cũng đã đầu tư hệ thống chuyển đổi tín hiệu các kênh chương trình sang chuẩn DVB-T2, phát sóng thử nghiệm tại quận Hà Đông với 15 kênh trên tần số K48.

Bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT cho biết, việc chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất thay cho analog với ăng-ten trên TV và ăng-ten giàn trên mái nhà sẽ giúp người dân xem được nhiều kênh truyền hình với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn, thay vì chỉ xem được 4-5 kênh như hiện nay. Tín hiệu truyền hình số sẽ không còn hiện tượng “muỗi”, “bóng mờ” như khi xem tín hiệu truyền hình tương tự. “Người xem còn có thể xem truyền hình có độ phân giải cao, truyền hình 3D, xem truyền hình trên các thiết bị di động… Việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất còn giúp tiết kiệm băng thông, mở đường cho việc triển khai dịch vụ băng rộng 4G, tăng hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí thiết bị, nhân công vận hành…” - bà Phan Lan Tú nhấn mạnh.

Được biết, quá trình chuyển đổi này không gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình hiện sử dụng mạng truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình internet... Người dân có thể mua TV thích hợp đài thu truyền hình số hoặc đầu thu truyền hình số để tiếp tục xem truyền hình số mặt đất.

Theo đó, để quá trình chuyển đổi diễn ra được thuận lợi, người dân cần nắm bắt thời điểm tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất, sử dụng các phương thức thu khác, như truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình internet. Hoặc người dân mua đầu thu truyền hình số hoặc TV có tích hợp đầu thu để tiếp tục xem truyền hình. Khi mua các loại đầu thu truyền hình số trên thị trường, thì cần phải chú ý chủng loại thiết bị, bảo đảm có dán nhãn hàng hóa, các tem hợp chuẩn, hợp quy theo quy định (theo thông tin niêm yết trên trang web của Cục Viễn thông) để tránh mua phải thiết bị giả, kém chất lượng.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này