Hàng hóa Tết Bính Thân ở thị trường Hà Nội

Không có chuyện tăng giá đột biến

10:52 | 17/12/2015
Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là Tết Bính Thân, nhưng trên thị trường, nguồn cung cấp hàng hóa khá dồi dào, giá ổn định.
Vì sao phải tăng giá dịch vụ y tế
Lo lắng trước tăng giá điện

15.000 tỷ đồng cung ứng hàng Tết

Theo Vụ Thị trường trong nước, hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chủ động hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau tết, đồng thời thực hiện “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn” kết hợp hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

Không có chuyện tăng giá đột biến
Hệ thống siêu thị Hapro chuẩn bị hàng hóa dồi dào phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Bính Thân.

“Đến thời điểm này, có 7 tỉnh, thành hoàn tất phương án thực hiện chương trình bình ổn giá. Nếu triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm sẽ có tác dụng kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng cho cả năm 2016” - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trao đổi với báo giới về việc bình ổn giá Tết Bính Thân, ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tổng giá trị hàng hoá phục vụ Tết của Hà Nội năm nay lên tới 15.000 tỉ đồng, riêng lượng hàng trong chương trình bình ổn giá đạt 2.556 tỉ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, bia, sữa, xăng/dầu, thực phẩm, rau củ quả. Các doanh nghiệp Hà Nội sẽ đồng loạt bán hàng bình ổn giá tại 1.164 điểm bán hàng; tổ chức 12 phiên chợ Việt. Tuần hàng Việt, 210 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Nhận định về giá hàng hóa trên thị trường mùa mua sắm cuối năm nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ rất khó có sự biến động. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng cho rằng, hiện chưa có mặt hàng nào tăng giá đột biến một phần cũng do giá xăng/dầu giảm nên giá hàng hoá được giữ ở mức ổn định, ngay cả với các sản phẩm thực phẩm tươi sống. Với một số nhóm hàng nguyên liệu sản xuất các mặt hàng tiêu dùng cho dịp Tết như bánh kẹo, nông sản, đỗ lạc, vừng… có tăng chút ít, nhưng không đáng kể. Trong khi đó, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2016 kéo dài trong 9 ngày, nên nhu cầu đi du lịch của người dân cũng tăng cao, còn người có thu nhập thấp lại chi tiêu tiết kiệm, nên việc mua sắm cũng giảm đi. “Sẽ không có chuyện tăng giá đột biến trong dịp Tết Bính Thân” - ông Phú khẳng định.

Doanh nghiệp chủ động nguồn cung

Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh cho biết, ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, đơn vị đã sản xuất mứt, kẹo Tết. Dự kiến dịp Tết sắp tới, Bảo Minh tung ra thị trường khoảng 70 tấn mứt các loại và bán cho các đơn vị đặt hàng khoảng 60 tấn. Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Tính - Tổng giám đốc Bảo Minh, mức tăng này không phải do sức mua thị trường mà do cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm, các đơn vị kinh doanh dồn đặt hàng vào những doanh nghiệp lớn, uy tín.

Còn theo đại diện của hệ thống Co.opmart, năm 2016, Co.opmart tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống. Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết được dự trữ là hơn 95.000 tấn - tăng gần 10% so với Tết Ất Mùi 2015. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5% đến 30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có độ tăng từ 10% - 20%, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm nước ngọt, bia, trái cây.

Hiện nay, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng khoảng hơn 2.700 tỉ đồng. Các làng nghề tập trung SXKD nhóm hàng bánh mứt kẹo, giò, chả, miến… với tổng giá trị hơn 100 tỉ đồng. Trong đó, hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Bính Thân 2016 của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tăng khoảng 5% so với Tết Ất Mùi 2015, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu.

“Ngoài việc phục vụ người tiêu dùng tại hệ thống bán lẻ với 70 điểm bán, Công ty còn tổ chức quầy hàng Tết ngoài trời, giỏ quà tết theo đơn đặt hàng, đặc biệt là tổ chức tổ chức 1 điểm bán hàng rộng khoảng 1.000 - 2.000m2 theo mô hình “Chợ Tết” với sự tham gia của các công ty, đơn vị thành viên, trực thuộc của Tổng”- đại diện của Hapro cho biết.

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này