Gắn “mã độc” điện thoại móc túi người tiêu dùng

20:27 | 17/12/2015
Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc một doanh nghiệp trong nước đã móc nối với 3 công ty của Trung Quốc để “móc túi”  người sử dụng điện thoại di động với số tiền lên tới hàng tỉ đồng. Đây là thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, khó lường, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng.
Người tiêu dùng nên thận trọng cam giá rẻ
Người tiêu dùng làm gì để bảo vệ mình?
Hơn một vạn xe honda SH bị lỗi, Cục Đăng kiểm có 'câu giờ'?
Tôn gian, đang móc túi doanh nghiệp và người tiêu dùng

Thủ đoạn tinh vi

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra về hành vi “móc túi” người tiêu dùng của Cty TNHH Đầu tư Vinamob (trụ sở ở đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy) với số tiền 2,670 tỉ đồng. Bằng việc “cấu kết” với 3 Cty có trụ sở tại Trung Quốc, Vinamob cài đặt sẵn “mã độc” trên các tiện ích của điện thoại. Theo đó, các “mã độc” sẽ tự động gửi tin nhắn có tính phí đến các đầu số 8X61 và tự động trừ tiền trong tài khoản của người dùng. Cơ quan chức năng cũng làm rõ, nhiều điện thoại di động được sản xuất từ Trung Quốc và cài sẵn “mã độc”, ẩn toàn bộ thông tin, khiến người sử dụng không thể nhận biết được. Các tin nhắn đều không hiển thị trên điện thoại. Điều này khiến người dùng điện thoại không biết việc điện thoại của mình có thể tự gửi tin nhắn dịch vụ.

Gắn “mã độc” điện thoại móc túi người tiêu dùng
Cảnh giác với điện thoại Trung Quốc gắn "mã độc". Ảnh minh họa

Được biết, hầu hết khách hàng sử dụng dịch vụ của đầu số 8X61 đều ở vùng sâu, vùng xa. Thanh tra Sở TT&TT cũng đã liên hệ với các khách hàng để xác minh, khi được hỏi nhiều người đều cho biết, không sử dụng dịch vụ của đầu số 8X61, nhưng vẫn bị trừ tiền trong tài khoản mà không rõ nguyên nhân. Sở TT&TT Hà Nội đánh giá, hoạt động cài đặt sẵn mã lệnh nhắn tin, tự động trừ tiền trong tài khoản người dùng của một số doanh nghiệp với thủ đoạn hết sức tinh vi như trên đã gây ra sự nghi ngờ, không tin tưởng vào dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông trong nước; khiến người dùng lo ngại trong việc sử dụng điện thoại di động của Trung Quốc.

Làm thế nào để phòng chống?

Theo ông Trần Quang Chiến - Giám đốc Cty Cổ phần Công nghệ An toàn thông tin và Truyền thông Việt Nam (VNIST): Hiện, có nhiều loại “mã độc” được gắn vào điện thoại di động bằng cách cài đặt sẵn từ nơi sản xuất, nên người dùng rất khó phát hiện. Chỉ khi thấy tài khoản điện thoại của mình bị trừ đột biến thì khách hàng mới nghi ngờ, mang máy đi kiểm tra mới biết. Ngoài mục đích chiếm tiền thuê bao di động, hành vi cài mã độc cũng có thể vì các mục đích nguy hiểm khác như: Thu thập thông tin cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng, theo dõi người sử dụng... Việc làm này cũng gây ảnh hưởng tới cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, vì không phải ai cũng biết, tài khoản của mình “bốc hơi” nhanh là do bị cài mã độc trừ tiền.

Dù vậy, việc phát hiện thiết bị cài đặt sẵn mã lệnh độc hại không đơn giản, bởi nhiều phần mềm được cài từ chính nhà sản xuất, được mặc định, nên cần phải can thiệp rất sâu rất phức tạp về mặt kỹ thuật thì mới có thể tháo gỡ. Do vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp để kiểm định các sản phẩm điện thoại nói riêng và CNTT nói chung trước khi sản phẩm được đưa đến người tiêu dùng, đặc biệt là các điện thoại giá rẻ, không rõ nguồn gốc. Việc này cần được thử nghiệm và theo dõi bởi các hệ thống, thiết bị phát hiện phần mềm độc hại tự động. Đối với người dùng, khi mua điện thoại cần tìm sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không nên ham của rẻ. Khi sử dụng, nếu phát hiện điện thoại bị trừ tiền điện thoại, cần liên hệ với nhà mạng để xác định nguyên nhân, sau đó có thể liên hệ với các cơ quan chức năng hoặc các Cty về an toàn thông tin để làm rõ vấn đề.

“Hiện tại, Cty VNIST đang ra mắt sản phẩm VETI - thiết bị giúp phát hiện mã độc trong mạng DN tự động. Người dùng cũng nên cài đặt phần mềm quản lý cước, hoặc phần mềm dịch vụ để có thể kiểm soát và phòng tránh các hành vi gây hại tới điện thoại” - ông Chiến chia sẻ.

Gắn “mã độc” điện thoại móc túi người tiêu dùng

Luật sư Tạ Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Hành vi cấu kết cài mã độc có sẵn trong điện thoại của Vinamob rồi chiếm đoạt tiền của các chủ thuê bao tại Việt Nam thỏa mãn dấu hiệu tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 226b BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009. Hành vi của Vinamob cần bị khởi tố, điều tra về tội danh quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 226b BLHS. Người có hành vi phạm tội phải đối mặt với mức phạt tù cao nhất là chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm...

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này