Hướng tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Cương quyết chống tham nhũng đến cùng

06:01 | 12/12/2015
Công tác phòng, chống tham nhũng của toàn hệ thống chính trị thời gian qua đã thu được những kết quả khả quan, song nhìn chung vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, một lần nữa, Bộ Chính trị đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng đến cùng bằng việc ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Nhân đạo với tham nhũng là có tội với xã hội
Giám sát chặt sẽ đẩy lùi tham nhũng, thất thoát, lãng phí

Theo đó, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh một số nội dung phải quyết liệt triển khai trong thời gian tới; trong đó đáng chú ý là các nội dung: Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý, nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Cương quyết chống tham nhũng đến cùng
Ảnh minh họa.

Tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của xã hội, nhất là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, ban thanh tra nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong phát hiện tham nhũng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phát hiện các hành vi tham nhũng. Bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác.

Phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử. Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng…

Trao đổi với Lao động Thủ đô, PSG Lê Mậu Hãn - nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và một số đảng viên lão thành rất ủng hộ Chỉ thị trên của Bộ Chính trị. PGS Lê Mậu Hãn nêu quan điểm: Phát hiện tham nhũng không khó vì với đồng lương của cán bộ, công chức như hiện nay, mà sao một số cán bộ lại giàu có như vậy? Vấn đề đặt ra là cần có một cơ chế giám sát dấu hiệu tham nhũng thì sẽ đẩy lùi vấn nạn tham nhũng. Còn đảng viên lão thành Phạm Mai Hồng nói: “Nếu cứ trông chờ vào sự tự giác của cán bộ, công chức thì rất khó chống tham nhũng. Điều quan trọng chúng ta phải tạo điều kiện hơn nữa cho Mặt trận Tổ quốc trong công tác giám sát. Nếu so với các tổ chức chính trị, đoàn thể thì Mặt trận Tổ quốc là tổ chức bám sát cơ sở nhất. Do đó, tôi tin tưởng chắc chắn rằng một khi Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị về nâng cao vai trò của Đảng trong phát hiện, xử lý tham nhũng là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng đến cùng của Đảng”.

L. Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này