Chuyện cảm động về những liệt sĩ “trở về”

11:57 | 08/12/2015
Nhập ngũ được hơn một năm ở nơi “cơm thiếu, đạn bom thừa”, hai anh đã hy sinh trên cùng một chiến hào, để lại bố mẹ già, vợ trẻ, con thơ khóc cạn nước mắt, mòn mỏi mong chờ. Gần 50 năm, không biết bao nhiêu lần gia đình khăn gói đi cả nghìn cây số, băng rừng, vượt núi, cặm cụi tìm hài cốt các anh. Việc tìm kiếm tưởng như đã rơi vào bế tắc, thì bỗng các anh “trở về”.
Có một ngôi làng không liệt sĩ
Phát hiện 16 bộ hài cốt liệt sỹ cùng một địa điểm
'Cậu Thủy' đào trộm 70 bộ hài cốt
Ngành GTVT Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ

Mấy ngày nay, người dân tổ 2, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) vẫn chưa hết xôn xao về việc liệt sĩ Nguyễn Quý Tuân và liệt sĩ Lê Văn Hoa “trở về” quê nhà. Hôm chúng tôi đến, đúng vào lúc gia đình đang làm lễ truy điệu cho liệt sĩ Lê Văn Hoa sau khi đưa di cốt anh về quê. Đứng cạnh ban thờ của bố, ông Lê Văn Thi không giấu được những giọt nước mắt lăn dài, ánh mắt ông nhìn chăm chăm vào di ảnh. 49 năm trước, năm 1966, bố nhập ngũ khi ông chỉ vài tuổi, nên ký ức về người cha chỉ là những hình ảnh nhạt nhòa. Nhưng với ông, như thế còn may mắn, bởi ít nhất ông còn nhớ mang máng mặt cha, còn hơn cô em ông thì chẳng có chút ký ức gì.

Chuyện cảm động về những liệt sĩ “trở về”
Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ Nguyễn Quý Tuân

Cũng như trường hợp liệt sĩ Lê Văn Hoa, liệt sĩ Nguyễn Quý Tuân cũng nhập ngũ khi con trai chưa đầy 3 tuổi, con gái thì vẫn còn trong bụng mẹ. Hai người cùng thôn, tuổi xấp xỉ nhau, hơn 20 tuổi lên đường nhập ngũ, vào C4, tiểu đoàn 75, đại đội 4 (thuộc B5, bắc Quảng Trị, S324) chiến đấu ở Thu Bồn – Do Linh, Quảng Trị. Hơn 1 năm sau ngày nhập ngũ, cả hai người đã hy sinh trên cùng một chiến hào khi không may trúng bom của địch.

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, ước nguyện của gia đình muốn tìm đưa di cốt của các anh về quê luôn giằng xé tâm can của mọi người. Chẳng thế mà có chuyện ông Lê Văn Bình (em của liệt sĩ Lê Văn Hoa) cứ gom góp được chút tiền là lại lên đường tìm anh, mặc cho kinh tế gia đình còn khó khăn, đường sá xa xôi, nguy hiểm luôn rình rập.

Còn ông Tưởng - đồng đội của hai liệt sĩ, dù cụt một chân, thương tật đầy mình, nhưng cũng không quản khó khăn, thường xuyên cùng gia đình đồng đội vào nơi chiến trường xưa, đi bộ cả chục km đường rừng để tìm di cốt. Chính sự nhiệt tình ấy đã tiếp thêm động lực cho gia đình hai liệt sĩ đi tìm di cốt của người thân.

Chuyện cảm động về những liệt sĩ “trở về”Chuyện cảm động về những liệt sĩ “trở về”
Di ảnh liệt sỹ Nguyễn Quý Tuân và Lê Văn Hoa

“Ở thị trấn, cùng đơn vị với anh tôi có hai thương binh nặng, họ đều mong muốn cùng gia đình đi tìm di cốt đồng đội. Nhiều thông tin, manh mối tìm di cốt của anh tôi và anh Hoa có được nhờ sự chỉ dẫn của họ. Thậm chí, dù sức khỏe yếu, cụt một chân, nhưng ông Tưởng vẫn không quản khó khăn, nhiều lần cùng gia đình chúng tôi vào chiến trường xưa tìm di cốt. Nhiều lần lạc trong rừng, tai nạn cũng không cản được quyết tâm tìm bằng được di cốt của anh tôi” - ông Nguyễn Bá Xuyên, em của liệt sĩ Nguyễn Quý Tuân - chia sẻ.

Với quyết tâm ấy, người thân của hai liệt sĩ đã tổ chức hàng chục lần vào khu vực chiến trường xưa để tìm di cốt người thân. Tuy nhiên, do thời gian, cảnh vật thay đổi, nên vị trí chôn cất hai liệt sĩ nhạt nhòa trong tâm trí của những người còn sống. Việc tìm kiếm vì thế càng thêm bội phần khó khăn và dường như vô vọng, dù gia đình đã gặp nhiều đồng đội, nhân chứng biết manh mối về nơi chôn cất hai liệt sĩ. Họ còn nhờ cả Ban quy tập liệt sĩ huyện Do Linh và tỉnh Quảng Trị, Sở LĐ TB&XH Quảng Trị, nhưng manh mối về phần mộ của hai liệt sĩ vẫn mịt mờ.

“Bao nhiêu năm mong ngóng tin con, mẹ tôi ngày càng héo hon, “ra đi” khi chưa thỏa được tâm nguyện. Trước khi khuất núi, mẹ tôi gọi hết con cháu, dặn đi dặn lại rằng bằng mọi cách phải tìm bằng được di cốt “thằng Tuân”. Do đó, việc đi tìm di cốt anh Tuân luôn là điều mà cả gia đình tôi đặt lên hàng đầu” - ông Xuyên tâm sự.

Cũng theo gia đình, trong khi việc tìm kiếm đi vào bế tắc, đầu năm 2015, người thân của hai liệt sĩ bỗng nhận được tin vui từ Ban đi tìm đồng đội Do Linh điện về cho biết đã xác định hai ngôi mộ số 67 – 68 trong nghĩa trang địa phương là của liệt sĩ Tuân và liệt sĩ Hoa, đồng thời yêu cầu gia đình đem mẫu vào đi xét nghiệm ADN. Sở dĩ Ban đi tìm đồng đội có cơ sở để thông báo cho gia đình hai liệt sĩ như vậy là bởi, năm 1997, trong khi đi rò tìm phế liệu, một người dân địa phương đã phát hiện hai ngôi mộ trong hầm, nên báo cho ban quy tập. Hai liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang Do Linh, với số mộ 67 – 68. Chắp nối thông tin, Ban đi tìm đồng đội có cơ sở để thông báo cho gia đinh hai liệt sĩ. “Ngày nhận được tin, gia đình chúng tôi có niềm tin mãnh liệt về việc đã tìm được người thân của mình. Quá mong ngóng ngày chồng về đoàn tụ, lại mắc bệnh trọng, nên trong khi chờ kết quả xét nghiệm ADN, chị dâu tôi, bà Ngô Thị Nhạ - vợ của liệt sĩ Tuân - đã qua đời vào tháng 6.2015. Trước khi chị Nhạ mất, chúng tôi thấy rõ nụ cười mãn nguyện thường trực trên môi của chị” - đưa tay lên gạt nước mắt, ông Xuyên tâm sự...

Ngày hai liệt sĩ trở về quê, đoàn tụ gia đình đúng vào đợt rét tăng cường se sắt. Nhưng nhìn vào ánh mắt người thân của hai liệt sĩ, nghe chuyện vui của mọi người chia sẻ, chúng tôi thấy thật ấm lòng.

Xuân Sinh – Tuấn Trung

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này