Huyện Phú Xuyên

Hơn 3.000 lao động nông thôn có việc làm ổn định

09:06 | 08/12/2015
Với lợi thế là “đất trăm nghề” cộng với nguồn lao động dồi dào, năm 2015, huyện Phú Xuyên đã tổ chức được hơn 100 lớp đào tạo nghề,  số lao động nông thôn có việc làm ổn định sau khi học nghề là hơn 3.000 người, đạt tỷ lệ trên 80%, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của toàn huyện.
Sắp diễn ra Ngày hội việc làm lớn nhất trong năm 2015!
Hơn 1.000 vị trí tuyển dụng

Theo thống kê, huyện Phú Xuyên có 72 làng nghề tiêu biểu, 39 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Tại đây, các làng nghề đã khẳng định vai trò, vị trí của nghề thủ công truyền thống đối với phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập. Kinh tế làng nghề phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 70% lao động địa phương, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn đổi mới, tệ nạn xã hội giảm. Có thể kể đến hàng loạt các làng nghề tiêu biểu như sơn mài, khảm trai 15 làng, mây giang đan 25 làng, thêu ren 20 làng, chế biến lâm sản 11 làng, dệt may 16 làng, cơ khí 5 làng, giày da 3 làng…

Nhằm đẩy mạnh phát triển làng nghề, năm 2015, Huyện ủy Phú Xuyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2015, huyện đã mở 100 lớp đào tạo nghề với 3.500 học viên tham gia, tổng kinh phí 5,16 tỷ đồng; tổ chức thành công phiên giao dịch giới thiệu việc làm lần thứ III với 800 người tham gia. Kết quả trên có được là do huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Điển hình như: Xây dựng quy hoạch nông thôn mới, trong đó có 11 xã đã quy hoạch 19 điểm công nghiệp làng nghề trên diện tích 227,78 héc ta.

Hơn 3.000 lao động nông thôn có việc làm ổn định
Học viên lớp đào tạo nghề khảm trai tại làng nghề Chuyên Mỹ, Phú Xuyên.

Nhờ những giải pháp thiết thực như vậy, đến nay, toàn huyện có 156/156 làng, cụm dân cư có nghề chiếm 100%, Năm 2015, toàn huyện có 22.547 hộ sản xuất TTCN, chiếm 38% với 39.439 lao động, chiếm 36,3%. Giá trị sản xuất TTCN làng nghề năm 2015 ước đạt 2.850 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 66,1% tổng giá trị sản xuất; tạo ra giá trị gia tăng 983 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56,6% giá trị gia tăng của huyện.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của làng nghề, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với sản xuất ngành nghề nông thôn trên các lĩnh vực quản lý đất đai, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, quản lý hoạt động và kết quả sản xuất, kinh doanh; Tập trung nâng cấp đường giao thông, hệ thống điện, xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; Xây dựng chợ đầu mối cung cấp nguyên vật liệu và trung chuyển hàng hóa cho các làng nghề; Đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề; lựa chọn nhà đầu tư để đưa cụm công nghiệp Đại Thắng và Phú Túc sớm đi vào hoạt động…

Nói về kinh nghiệm phát triển làng nghề truyền thống, đào tạo nghề nông thôn, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu cho biết, phát triển làng nghề truyền thống theo hướng bền vững, huyện Phú Xuyên có định hướng như: Tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm; hỗ trợ vốn cho vay cho hoạt động ngành nghề nông thôn thông qua các tổ chức tín dụng; hỗ trợ tham quan để các làng nghề học hỏi kinh nghiệm; đào tạo để nâng cao tay nghề cho lao động…

Để hoạt động khuyến công thực sự mang lại hiệu quả cao, cần tăng cường hơn nữa kinh phí hàng năm cho công tác khuyến công đối với cơ sở; chính quyền các cấp, xây dựng cơ chế tạo vốn đầu tư bằng nguồn thu ổn định trong vòng 10 - 20 năm giúp các làng nghề chủ động xây dựng kết cấu hạ tầng, hạ tầng xã hội, tạo sự đồng bộ phát triển địa phương…

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này