Nghèo vật chất, đói tinh thần

15:23 | 04/12/2015
Nhắc đến xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) người ta nghĩ ngay tới “kinh đô bánh kẹo nhái”, nhưng không mấy ai để ý đến đời sống, môi trường làm việc của những công nhân tại các xưởng sản xuất bánh kẹo.

Mỏi mòn chờ nghỉ trưa

Hiện tại xã La Phù, các doanh nghiệp (DN) đang chuẩn bị sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Nguyên đán. Những thông tin tuyển công nhân (CN) được dán đầy ở các cổng Cty. Trong vai người đi xin việc làm, PV Báo Lao Động xin vào làm tại Cty T.H.G chuyên sản xuất bánh tại xóm Hoa Thám. Cũng như nhiều CN khác, PV được chủ DN tuyển dụng bằng “thỏa thuận miệng”, với mức lương khởi điểm tháng đầu là 2,5 triệu/tháng, Cty bao ăn ngày 2 bữa, ngủ miễn phí, nếu làm lâu dài, thợ “cứng” có thể được tăng hơn. Khu nhà xưởng làm việc gồm 2 tầng, tầng 1 dành để sản xuất bánh và nhà kho, tầng 2 chuyên để đóng gói và xếp hàng. Tại tầng hai, bánh kẹo chưa đóng gói bày ngổn ngang trên sàn nhà, những thứ mùi “lạ” - từ bột bánh, có mùi chua - bốc lên ngào ngạt.

Khi hỏi về tiền lương, chị CN tên D (sinh năm 1998, quê Hòa Bình) tâm sự: “Em làm ở đây được 3 tháng rồi. Lương 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng tháng đầu được có 2,1 triệu đồng - không hiểu vì sao lại bị như thế?”. Còn chị H (sinh năm 1999, quê Hòa Bình) nói: “Em lên Hà Nội tìm việc, được mấy bác xe ôm chỉ về La Phù làm bánh kẹo. Làm được hơn 10 ngày, nhưng mà đã quá mệt và nản vì phải ngồi cả ngày một chỗ: Sáng làm từ 7h-12h, chiều bắt đầu từ 13h-19h. Đặc biệt là không được nghỉ thứ bảy, chủ nhật”.

Nghèo vật chất, đói tinh thần
Bình nước uống dành cho CN đặt đối diện nhà vệ sinh

Theo quan sát, đường dây điện ở đây không được đảm bảo, ổ cắm điện và dây điện ngổn ngang trên sàn nhà, đặt ngay sát các CN để đóng gói sản phẩm. Một nữ CN lớn tuổi thở dài ngao ngán: “Biết là nguy hiểm, nhưng còn cách nào khác đâu!”. Không khí trong xưởng rất bí, mùi sơn, mùi bột, mùi bánh quyện lại với nhau tạo nên mùi khó chịu. Khi đồng hồ chỉ 11h30, CN H tươi tỉnh hẳn: “Chỉ cần làm thêm 30 phút nữa thôi là em đã “sung sướng” rồi”. Hỏi ra mới rõ: 12h CN được nghỉ trưa.

Cám cảnh sinh hoạt chung

Đồng hồ chỉ đúng 12h mọi người tan làm, nhanh chóng rửa mặt, chân tay rồi ăn cơm. Họ ngồi ăn theo bàn, mỗi bàn 6 người, gồm một đĩa thịt kho, một đĩa rau xào và 1 bát canh. Cty có khoảng 30 CN nên mọi người thường chia nhau ra để ăn thành hai lần vì không đủ chỗ ngồi. Chị P (sinh năm 1999, quê Phú Thọ) ngán ngẩm: “Cơm CN thế đó chị ạ, em mới làm ở đây từ chiều qua, ăn được 3 bữa thì 1 bữa cơm sống, 1 bữa khô, bữa nay thì tàm tạm”. Phòng ăn của CN cũng chính là phòng ngủ luôn. Căn phòng rộng chừng 30m2, một nửa là phòng ăn, một nửa là những chiếc giường tầng để CN ngủ. Điều đáng nói là chỗ ngủ của CN nam, CN nữ rất gần nhau: Nam nằm giường tầng 1, nữ nằm tầng 2. Trong phòng trọ có gắn camera theo dõi.

Chị T làm được gần 2 năm (sinh năm 1996, quê ở Dương Nội, Hoài Đức) nhưng trọ luôn tại Cty, đưa ra lời khuyên: “Ở trọ tại Cty phức tạp lắm, thiếu tự do nữa, chị à. Nhiều vấn đề bất cập, thoải mái nhất vẫn là thuê trọ ngoài”. Đầu giờ chiều, P khiến mọi người sửng sốt khi bạn trai cô đến Cty nói chuyện với GĐ Cty về việc P xin nghỉ việc. Lúc này P mới tâm sự: “Công việc liên miên, mệt lắm, môi trường lại ô nhiễm, ngồi lâu khiến em mỏi nhừ người, đau lưng, đau chân ghê gớm. Thời gian làm việc thì dài, mãi 19h mới tan làm, ăn cơm thì cơm sống, chỗ ngủ thì bất tiện. Do không chịu nổi nên em phải “chạy” gấp”.

Theo quan sát của PV Báo Lao Động, không chỉ riêng các DN sản xuất bánh kẹo trên địa bàn xóm Hoa Thám, mà trên toàn xã La Phù đều có các CN trẻ, có những CN còn chưa qua tuổi 18, phần lớn không được ký hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật. Họ phải làm việc từ 10-12 tiếng/ngày, không nghỉ chủ nhật, lương khởi điểm cũng chỉ từ 2,5 - 2,6 triệu đồng/người tháng. Cuộc sống của họ không chỉ nghèo nàn về vật chất, mà còn “đói” văn hóa tinh thần!

Theo Nguyễn Nga/laodong.com.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này