Con đường ngắn từ dạ dày tới nghĩa địa

Ung thư, nỗi đau nghiệt ngã

10:37 | 05/12/2015
Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi đau khổ nhất của cuộc đời dồn đến với Phạm Vũ Hiệp (SN 1977, Giám đốc dự án KN Online), khiến anh chới với. Không chỉ bản thân mắc căn bệnh ung thư hạch hệ thống đã di căn sang tủy xương, được chẩn đoán còn sống khoảng từ 3 - 6 tháng, người đàn ông này còn phải gánh chịu thêm nỗi đau khi mất đi đứa con gái bé bỏng sau một vụ tai nạn giao thông. Thế nhưng, người đàn ông này không buông xuôi…
“Sát thủ” mang tên thực phẩm chức năng
Gia tăng tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Thực phẩm ăn tới đâu độc tiêu, mỡ thừa biến mất tới đó
Đưa 5 loại thuốc điều trị ung thư vào đấu thầu cấp quốc gia

Thử thách của số phận

Ngồi trước mặt chúng tôi là một Phạm Vũ Hiệp gầy gò, xanh xao, hai má hóp lại. Hỏi thăm sức khỏe, anh chỉ cười rồi bảo: “Mình vẫn ổn, vẫn đủ sức để làm việc và chăm con. Khi con người biết được giới hạn sức khỏe của mình, họ sẽ có cách để đi trong lằn ranh ấy”.

Lật lại ký ức về những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời, anh Hiệp kể, năm 2007 trở về nước sau thời gian dài du học, anh may mắn xin được một việc làm ổn định tại TP.Hồ Chí Minh. Khi tương lai đang rộng mở, cũng là lúc anh phát hiện mình mắc bệnh ung thư hạch hệ thống đáng sợ. Mọi thứ như sụp đổ dưới chân anh. Nhưng nghĩ đến những người thân, anh Hiệp lấy lại tinh thần đối mặt với sự thật. Để thuận tiện cho quá trình điều trị, anh Hiệp đã chuyển công tác ra Hà Nội. Biến chứng của ung thư khiến anh phải cắt đi hơn một mét ruột, cùng với việc đối mặt giữa sự sống và cái chết…Những ngày sau khi mổ là chuỗi thời gian kinh hoàng, anh không thể nằm được, thức hay ngủ cũng đều phải ngồi. Nhiều đêm, khi mọi người trong gia đình chìm vào giấc ngủ, anh ngồi lặng lẽ ngắm gương mặt của những người thân yêu.

Ung thư, nỗi đau nghiệt ngã
Anh Phạm Vũ Hiệp từng đau đớn, khổ sở vì bệnh ung thư

“Tôi không thể ngủ được vì đau, nhưng cứ nghe có bước chân lại gần là tôi lại giả vờ như đang ngủ say sưa lắm”, anh Hiệp chia sẻ. Vì vờ ngủ say nên anh cảm nhận rất rõ tình yêu mà mọi người dành cho mình. Mẹ anh mỗi buổi tối lại đứng ngắm con rồi sụt sùi nước mắt. Còn người bố, mạnh mẽ là thế, nhưng ông cũng không nén được những tiếng thở dài khi đứa con trai đang quằn quại trong những ngày tuyệt vọng nhất… Rồi vợ anh, bình thường, chị phải “diễn” một gương mặt lạc quan, tránh cho chồng những mặc cảm bệnh tật, nhưng đến khi ngủ, trông gương mặt ấy buồn khổ vô cùng. Anh Hiệp tin rằng, đó là lúc vợ mình đang phải gồng mình lên, gắng gượng sống. Duy chỉ có đứa con gái là ngây ngô, đáng yêu, cháu vẫn vô tư vì chưa hiểu căn bệnh quái ác của bố.

Thế nhưng, quyết tâm bao nhiêu thì căn bệnh, sức khỏe lại phản bội anh bấy nhiêu. Có nhiều lúc, anh muốn mình phải tập đi lại, nhưng để đi được 2 tầng cầu thang trong ngày đầu tiên chuyển từ Bệnh viện Việt Đức (phẫu thuật cắt ruột) xuống Bệnh viện K3 (điều trị ung thư), anh Hiệp mất hơn một giờ đồng hồ. Rồi có những ngày anh bất lực khi cứ ăn vào lại bị nôn ra. Không chịu đầu hàng, anh Hiệp chuẩn bị dụng cụ để đỡ phần thức ăn bị nôn ra, sau đó dùng thìa, nhúng từng chút một vào phần nôn trớ đó rồi cho lên miệng để bắt cơ thể phải làm quen với thức ăn. Nhớ lại ngày ấy, anh Hiệp bảo, nhiều lúc muốn buông xuôi, nhưng hình ảnh hai gương mặt của vợ và con gái hằng đêm lại hiện về trong tâm trí, khiến anh lại nỗ lực hơn…

Cô con gái bé nhỏ quấn quýt, bi bô mỗi ngày đã tiếp thêm cho niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống. Sức khỏe của anh đang dần ổn định, nụ cười rạng rỡ trở lại trên khuôn mặt bố, mẹ và vợ anh…Đúng lúc anh đang dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống, thì đứa con gái nhỏ bé của anh lại ra đi sau một tai nạn thương tâm…

Vượt qua nỗi đau để sống

Sau lần “thử thách” nghiệt ngã lần thứ hai, cả gia đình anh lại chìm trong một bầu không khí im lặng đến đáng sợ. Anh bảo, lúc ấy cảm giác cuộc sống như đã kết thúc thực sự. Để đầu óc nhẹ nhõm hơn, anh quyết định xin đi làm.

Thế rồi, anh tình cờ bén duyên với Phật pháp, sau khi được nghe những bài giảng của nhà Phật, anh dần tĩnh tâm, rồi sắp xếp lại cuộc sống của mình. “Tìm lại được trạng thái cân bằng, tôi bắt đầu nghiên cứu, sưu tầm các loại sách viết về ung thư. Từ đó, tôi hiểu được các nguyên nhân gây nên ung thư là do: Biến đổi gen, nguồn nước, môi trường và ăn uống. Nếu như trước đây, vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến ung thư, thì hiện tại, số người mắc ung thư qua con đường ăn uống đã lớn hơn rất nhiều.

Vì thế, để bảo đảm sức khỏe và hạn chế sự tái phát, tôi đã tìm đến những sản phẩm sạch, chủ yếu do gia đình tự trồng. Điều quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng, chúng ta nên ăn và chọn thực phẩm bằng cái đầu của mình, thay bằng việc dùng mắt để lựa chọn” - anh Hiệp tâm sự.
Đã 8 năm trôi qua, sức khỏe anh đã dần hồi phục, khối u ung thư năm nào giờ cũng không còn hành hạ cơ thể anh nữa. Có sức khỏe, anh Hiệp bắt đầu tham gia những chuyến đi từ thiện, ban đầu chỉ là để trải nghiệm, để vơi đi nỗi buồn, nhưng sau dần, nó như ngấm vào máu, thôi thúc anh tìm đến những vùng đất xa xôi.

Mặc dù hiện tại công việc rất bận rộn, nhưng những lúc rảnh rỗi, anh lại sắp xếp thời gian đến thăm các bệnh nhân ung thư như mình. Anh bảo, nếu ngày trước anh buông tay, anh đầu hàng, giờ không biết anh đang như thế nào. Nên anh muốn đến với họ, kể cho họ nghe chuyện của anh và động viên họ cố gắng, chiến đấu với bệnh tật bởi anh hiểu, với căn bệnh ung thư, tinh thần là điều quan trọng nhất.

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, Phạm Vũ Hiệp chia sẻ, hiện nay thực phẩm bị ô nhiễm và sử dụng hóa chất rất nhiều. Vì thế, khi lựa chọn thực phẩm, chúng ta nên đặc biệt chú ý. “Kể lại câu chuyện của mình, tôi muốn góp thêm một tiếng nói mong cả xã hội sẽ cùng chung tay giảm bớt nỗi đau ung thư bằng cách phát hiện, bài trừ vấn nạn thực phẩm bẩn, để người dân được sống an toàn và khỏe mạnh” - anh Hiệp nói.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này