Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long

Quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ

21:15 | 03/12/2015
Nhân Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS, báo Lao động thủ đô có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long xung quanh việc triển khai, thực hiện “Mục tiêu 90-90-90” và hiệu quả của chương trình mang lại cho những người bị nhiễm HIV.
Mở cửa cho khối doanh nghiệp đầu tư phòng chống HIV
Nghệ An khởi động chương trình phòng chống HIV/AIDS theo mục tiêu LHQ
100% CĐCS tổ chức thực hiện chương trình phòng chống HIV/AIDS

Xin Cục trưởng cho biết, kế hoạch cụ thể để hướng tới mục tiêu 90-90-90 và kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Trước hết, Việt Nam cần quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán đến chăm sóc, điều trị.

Quyết liệt triển khai  toàn diện các dịch vụ
Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long

Về hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, cần ưu tiên tập trung vào các địa bàn có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao; Triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp từ dự phòng đến điều trị cho đối tượng như truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng phân phát bơm, kim tiêm, bao cao su, điều trị methadone.

Về xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cần tập trung cho mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, bao gồm người có hành vi nguy cơ tự xét nghiệm. Đồng thời, mở rộng và phân cấp mạng lưới phòng xét nghiệm khẳng định (PXNKĐ) HIV tại tuyến huyện bằng 3 test nhanh.

Về điều trị ARV cần tổ chức thực hiện điều trị ARV theo tiêu chuẩn mới: Điều trị ARV không phụ thuộc CD4 cho các đối tượng nhiễm HIV nguy cơ cao, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, người nhiễm HIV ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; người nhiễm có CD4 ≤ 500 TB/mm3. Song song với việc mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS bằng cách phân cấp và lồng ghép vào hệ thống khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, tổ chức điều trị ARV trong trại giam, trung tâm 06. Đồng thời tiếp tục truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của BHYT chăm sóc, điều trị để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị một cách bền vững.

Mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình là rất quan trọng để đảm bảo cho các mục tiêu 90 sau. Vậy Cục trưởng cho biết, cần làm gì để đạt được mục tiêu này khi nguồn lực quốc tế cắt giảm?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Theo các chuyên gia, Việt Nam thuộc các quốc gia có số người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình cao trên 80%, do đó việc để xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV chưa biết tình trạng HIV còn lại trong những năm tới khó khăn hơn nhiều lần so với trước đây, đặc biệt là người mới nhiễm HIV và trong bối cảnh kinh phí cắt giảm. Do đó để tăng tỉ lệ người biết mình nhiễm HIV, cần phải đa dạng hóa các mô hình xét nghiệm HIV, tập trung nguồn lực cho các địa phương, các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao; Tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của xé́t nghiệm phát hiện sớm HIV; Triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, mô hình xét nghiệm không chuyên như đào tạo y tế thôn bản, nhân viên tiếp cận cộng đồng có đủ trình độ thực hiện các xét nghiệm đơn giản như xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay, xét nghiệm nước bọt. Để có thể triển khai xét nghiệm tại cộng đồng cho người có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV, những trường hợp có kết quả phản ứng với sinh phẩm xét nghiệm mới đưa tới cơ sở y tế (CSYT) làm xét nghiệm khẳng định HIV; Triển khai mô hình tự xét nghiệm HIV sử dụng các sinh phẩm xét nghiệm nước bọt, để những người có nguy cơ lây nhiễm HIV chủ động đi mua sinh phẩm về tự làm xét nghiệm HIV, nếu có kết quả phản ứng với HIV đến CSYT làm xét nghiệm HIV. Ngoài ra, đẩy mạnh các dịch vụ xét nghiệm HIV do nhân viên y tế đề xuất tại các CSYT.

Hiện nguồn lực quốc tế đang cắt giảm nghiêm trọng. Theo Cục trưởng, giải pháp nào để đảm bảo tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Chính phủ VN đã có một loạt các giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ngày 16/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020. Đề án đề cập đến 2 nhóm giải pháp chính là huy động các nguồn lực và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực huy động được như tiếp tục tăng chi ngân sách nhà nước cho phòng, chống HIV/ AIDS. Mặc dù sau 2015 có thể không còn chương trình mục tiêu quốc gia cho phòng, chống HIV/AIDS, nhưng nhà nước sẽ phải có cơ chế tài chính mới để tiếp tục đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS.

Ngân sách địa phương trong thời gian tới cũng đóng vai trò quan trọng. Theo quyết định trên, các địa phương cũng phải xây dựng đề án đảm bảo tài chính và tăng chi ngân sách địa phương cho phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương mình, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn. Tính đến cuối tháng 10/2015, có 39 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS với cam kết ngân sách địa phương đầu tư cho giai đoạn 2015-2020 là trên 1.200 tỉ đồng. Các tỉnh, thành phố còn lại cũng đã xây dựng đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và đang trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.

BHYT trong thời gian tới sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là chi trả các chi phí điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội và các xét nghiệm liên quan đến HIV/AIDS; Cần tiếp tục công tác xã hội hóa, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế cho vấn đề phòng, chống HIV/AIDS; thuyết phục các nhà tài trợ kéo dài thêm thời gian tài trợ cho Việt Nam đến khi ngân sách trong nước đảm bảo cho phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các nhà tài trợ hiện đang hỗ trợ, tiếp tục vận động thêm các nhà tài trợ mới như ASEAN và các đối tác như APEC... xem xét thu một phần chi phí cho điều trị methadone để có thể duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị nghiên cứu chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế. Bên cạnh huy động các nguồn lực, chúng ta cần phải sử dụng các nguồn tài chính hiện có một cách hiệu quả nhất.

BHYT đang được xác định là giải pháp bền vững, lâu dài cho điều trị ARV ở Việt Nam. Vậy theo Cục trưởng, lộ trình thực hiện như thế nào và có những khó khăn, thách thức gì?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Lộ trình thực hiện BHYT gồm một số hoạt động cơ bản như: Kiện toàn mạng lưới các cơ sở (CS) điều trị ARV, lồng ghép vào các CS KCB trên toàn quốc; Đẩy nhanh tiến độ ký hợp đồng của các CS điều trị ARV với cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố; Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS (thông tư 15); Xây dựng và hoàn thiện cơ chế cung ứng thuốc ARV tập trung từ Quỹ BHYT; Mở rộng tỉ lệ tham gia BHYT của người nhiễm HIV bằng truyền thông, nâng cao nhận thức cho người nhiễm HIV; Hỗ trợ tài chính cho các nhóm đối tượng đặc thù nhiễm HIV tham gia BHYT như cận nghèo, hộ dân có mức sống trung bình.

Hiện nay, bệnh nhân tham gia BHYT còn thấp là do: Hiện các dịch vụ được miễn phí; Người nhiễm HIV chưa nắm rõ về quyền lợi và trách nhiệm khi được tham gia BHYT; Họ lo sợ bị phân biệt và kỳ thị và không có nghề nghiệp ổn định. Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới: Cần tăng cường truyền thông để người nhiễm HIV có đủ thông tin cần thiết; Hỗ trợ mua thẻ BHYT thông qua Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, các nguồn ngân sách hợp pháp của địa phương, tổ chức, cá nhân từ thiện; Nhà nước hỗ trợ đồng chi trả; Bình thường hóa việc điều trị ARV, tiếp tục mở rộng và phân cấp điều trị ARV về y tế cơ sở. Hiện nay, 526 cơ sở y tế xã đã phát thuốc ARV, mang lại kết quả tốt.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Thu Trang (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này