Hà Nội dự kiến chi 2.167 tỉ đồng để giảm ùn tắc giao thông

Ưu tiên quỹ đất cho giao thông

11:09 | 03/12/2015
Một trong những nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội, khóa XIV, được các đại biểu và cử tri thủ đô quan tâm là “ Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội”. Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu này là 2.167 tỉ đồng.
Hà Nội: Dự kiến cần hơn 2.100 tỷ đồng giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016 - 2020
Hơn 500 đại biểu dự Hội nghị An toàn giao thông 2015

Giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc

Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội, sau hơn 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông 2012-2015, tình hình ùn tắc giao thông đã giảm rõ rệt, số điểm ùn tắc giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm. TNGT giảm cả 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã được giải quyết cơ bản. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng phương tiện giao thông cá nhân, việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao... Do vậy, dự báo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là khu vực nội đô. Từ yêu cầu thực tế trên, UBND TP. Hà Nội xác định cần phải tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020.

Ưu tiên quỹ đất cho giao thông

Mục tiêu của chương trình là tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trong khu vực nội đô (từ vành đai 3 trở vào) và trên các trục hướng tâm chính ra, vào nội đô; các đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3; các khu vực đầu mối giao thông (các cửa ngõ giao thông, các bến xe). Trong đó, thành phố xác định chỉ tiêu cụ thể của chương trình là giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5-10% hằng năm (trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương). Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông vận tải thủ đô, tăng cường áp dụng hình thức phạt nguội qua hình ảnh lưu trữ tại trung tâm quản lý điều hành giao thông; Xây dựng Trung tâm quản lý giao thông công cộng chung cho thành phố.

Lắp đặt thêm 14 cây cầu

Về tổ chức giao thông, thành phố dự kiến giai đoạn 2016-2020 sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 65 nút đèn tín hiệu, đồng thời lắp đặt 4 cầu thép lắp ghép, 10 cầu dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, sông Nhuệ... Thành phố cũng sẽ tăng cường thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện…ra ngoài trung tâm thành phố theo đúng quy hoạch, đúng lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất này dành cho giao thông và các mục đích công cộng khác. Tại khu vực đang thi công các công trình, thành phố sẽ yêu cầu các đơn vị thi công, chủ đầu tư phải xây dựng phương án, biện pháp thi công với thời gian rút ngắn nhất để sớm giải tỏa các lô cốt, hoàn trả mặt đường cho giao thông thuận lợi. Thành phố cũng nghiên cứu để hạn chế lưu lượng phương tiện lưu thông trên các trục đường đang thi công, trong đó có giải pháp giảm tần suất hoạt động xe buýt vào giờ cao điểm, nghiên cứu hạn chế taxi lưu thông trên các tuyến đường này. Lập đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn thành phố; duy trì gác tại các đường ngang giao cắt với đường sắt.

Bên cạnh các giải pháp trên, các cơ quan chức năng, từ thành phố đến cơ sở, tập trung thực hiện đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. 100% các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn. Kiên quyết không để lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh, buôn bán. Sắp xếp lại các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của thành phố, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và mĩ quan đô thị. Trong đó, thành phố cũng nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của lực lượng CSGT. Lực lượng CSGT phải phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức các lực lượng ứng trực, phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn.

Ý kiến người dân:

Bác Kiều Thị Ninh (64 tuổi, giáo viên về hưu, (quận Hà Đông):

Thành phố có chủ trương chống ùn tắc giao thông với các giải pháp cụ thể là việc làm cần thiết nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Qua đó, văn hóa giao thông chắc chắn được cải thiện. Khi ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn kém, khu vực nào có CSGT đứng gác, điểm đó không bị ùn tắc. Trước kia, ngay tại ngã ba gần khu tôi sống, hoặc tại các tuyến đường lớn rất hay ách tắc nhưng gần đây, các lực lượng cảnh sát vào cuộc quyết liệt, đã không còn hiện tượng này xảy ra. Rất mong thành phố sớm triển khai chương trình để người dân chúng tôi bước chân ra đường không còn phải lo tắc đường nữa.

Bà Đinh Thị Lan (Cán bộ hưu trí):

Theo tôi, việc giải tỏa các hành lang an toàn giao thông đường bộ, giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường phải làm sớm. Muốn làm tốt việc này, cần sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương để tổ chức lực lượng ứng trực, phân luồng, đảm bảo giao thông. Đồng thời nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của lực lượng CSGT, đảm bảo mỗi cán bộ, chiến sỹ khi thực hiện nhiệm vụ phải trung thực, khách quan.

Anh Nguyễn Tài Dũng
(47 tuổi, phường An Dương, quận Tây Hồ):

Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội quả thực là điều đáng lo ngại. Điều nhận thấy rõ nhất là ý thức chấp hành Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông quá kém. Tại nhiều điểm giao cắt tồn tại tình trạng mạnh ai nấy đi, không tuân theo quy định nào cả. Được biết trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, trong đó cương quyết kiểm tra, xử lý các vi phạm, tôi rất mừng. Hy vọng trong thời gian tới, các điểm ùn tắc sẽ giảm, tạo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông.

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng
(48 tuổi, phố Kim Mã, quận Ba Đình):

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm có thể thấy rõ là bởi số lượng người tham gia giao thông rất đông. Cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay của thành phố không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, ý thức người tham gia giao thông không tốt, số lượng các xe 4 bánh, xe vận tải... khi tham gia giao thông cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ. Việc thành phố Hà Nội triển khai chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, phấn đấu giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, góp phần giảm tai nạn từ 5-10% hằng năm là việc làm rất hợp lòng dân. Để chương trình đạt hiệu quả cao, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và quan trọng hơn cả là giáo dục, tuyên truyền để thay đổi ý thức tham gia giao thông cho người dân…

Trần Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này