Giải pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho người lao động

07:29 | 03/12/2015
Những người đang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ giải trí ở Việt Nam hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn liên quan đến điều kiện làm việc và nguy cơ cao lây nhiễm một số bệnh nguy hiểm, trong đó có HIV/AIDS. Vì vậy, việc cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động (NLĐ) trong lĩnh vực này là điều cần thiết. Đó là nhận định được đưa ra tại buổi tọa đàm “Giảm rủi ro lây nhiễm HIV cho NLĐ trong lĩnh vực dịch vụ giải trí” do Tổ chức lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây, tại Hà Nội.
Mở cửa cho khối doanh nghiệp đầu tư phòng chống HIV
Giảm rủi ro lây nhiễm HIV cho NLĐ trong lĩnh vực dịch vụ, giải trí

Lao động lĩnh vực dịch vụ giải trí có nguy cơ lây nhiễm HIV cao

Hiện nay, ở Việt Nam, dịch HIV/AIDS đã xảy ra ở tất cả tỉnh, thành phố. Theo số liệu báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến tháng 9/2015, cả nước có hơn 220.000 trường hợp nhiễm HIV, trong đó số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là hơn 83.500 người. Hơn 86.000 trường hợp đã tử vong do AIDS. Xét theo các lĩnh vực thì lao động ở lĩnh vực dịch vụ giải trí có nguy cơ cao đối với một số bệnh nguy hiểm, trong đó có HIV/AIDS do gặp nhiều khó khăn về điều kiện làm việc. Bà Lê Thị Hà, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Lao động trong lĩnh vực giải trí có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Giải pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho người lao động
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Họ là những người làm trong các dịch vụ giải trí nhạy cảm, nơi tệ nạn mại dâm có thể xảy ra, chẳng hạn nhân viên tiếp thị bia rượu phục vụ khách trong quán karaoke, phục vụ nhà hàng, nhân viên mát xa, nhân viên vũ trường, quán bar. Họ có thể tham gia dịch vụ tình dục, mại dâm do nhiều nguyên nhân khác nhau như tài chính khó khăn, khách hàng có nhu cầu, đặc điểm công việc phải chiều khách... Ngoài ra, họ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác như bị bạo lực (bạo lực tình dục, bị đánh đập, chửi mắng); bị bóc lột kinh tế; bị kỳ thị; môi trường làm việc không an toàn; không được hưởng ưu đãi theo chế độ như mọi NLĐ; một số nơi không trả lương, hoặc chậm trả lương.

Đặc biệt, hầu hết lao động trong lĩnh vực này thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như kiến thức về HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tất cả những điều này khiến họ có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn các nhóm khác. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay tổng số các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm là 160.000 cơ sở, với số nhân viên nữ dưới 35 tuổi là hơn 6.000 người. Ông Nguyễn Văn Đông- Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhận định: HIV/AIDS có nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc vì công tác tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là những NLĐ làm việc trong lĩnh vực giải trí và một số ngành đặc thù như y tế và công an. Rủi ro trong những ngành nghề này có thể rất cao do nhân viên phải tiếp xúc hay phải đấu tranh trực tiếp với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các nhân viên này chưa được cung cấp đầy đủ những phương tiện bảo hộ tốt để phòng ngừa lây nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ.

Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân viên chức lao động nói chung và NLĐ trong lĩnh vực dịch vụ giải trí nói riêng cần được quan tâm.

Giảm rủi ro cho người lao động

“Mại dâm và tình dục không an toàn có nguy cơ lây nhiễm HIV sau tiêm chích ma túy. Nếu kiểm soát thành công HIV từ các đối tượng bán dâm thì sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho họ mà cho cả cộng đồng. Các hình thức can thiệp là cung cấp gói dự phòng và chăm sóc HIV, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ pháp lý, tạo thu nhập, đồng thời truyền thông thay đổi hành vi, đẩy mạnh và hỗ trợ sử dụng bao cao su”- bà Lê Thị Hà nói. Trên thực tế, việc hình thành một số CLB, nhóm cộng đồng của NLĐ trong lĩnh vực giải trí, lao động tình dục cũng đã giúp hạn chế lây nhiễm HIV cho NLĐ. Chị Nguyễn Thị Thủy, thành viên của nhóm “Đồng đẳng nơi bình yên” chia sẻ: Nhóm ra đời năm 2008 tại Hà Nội.

Nhóm được hình thành do chị em – những người đã và đang làm việc trong lĩnh vực giải trí và có tham gia lao động tình dục, muốn gặp gỡ, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống. Sau khi nhiều nhóm khác thành lập, đã liên kết hoạt động với nhau, tạo thành mạng lưới. Khởi đầu có 11 nhóm thành viên trên 6 tỉnh thành, đến nay có 32 nhóm trên 22 tỉnh thành. Hoạt động của nhóm thành viên trong mạng lưới bao gồm: Tiếp cận và cung cấp kiến thức dự phòng HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục; Tổ chức các buổi truyền thông nâng cao hiểu biết cho anh, chị em. Giới thiệu cho người có nhu cầu tới các dịch vụ y tế; Hỗ trợ vay vốn tạo thu nhập... Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng cho biết: Xác định công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào việc ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ gìn và nâng cao sức khỏe cho NLĐ, trong những năm qua Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống AIDS, tập trung vào các khu vực, các đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV/AIDS, dễ xảy ra tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Cụ thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp CĐ triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác trong CNVCLĐ; tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp chuyên theo dõi công tác phòng, chống HIV/AIDS, tội phạm, tệ nạn xã hội. Tổ chức các lớp truyền thông về nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS tại các KCN trong cả nước cho CNLĐ. Biên soạn, in ấn và phát hành các mẫu tờ gấp và các loại tài liệu tuyên truyền phòng chống AIDS để cấp phát cho CNLĐ. Bên cạnh việc tập trung chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ cả nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam còn dành sự quan tâm tới đối tượng NLĐ trong lĩnh vực dịch vụ giải trí. Trong năm 2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với ILO tổ chức thành công hai khóa tập huấn dành cho lao động trong lĩnh vực dịch vụ giải trí. Thông qua đó đã nâng cao kiến thức và kỹ năng cho NLĐ trong lĩnh vực dịch vụ giải trí, đồng thời trang bị cho những NLĐ kiến thức cần thiết để họ biết cách tự bảo vệ mình trong môi trường làm việc có nhiều rủi ro.

Tọa đàm “Giảm rủi ro lây nhiễm HIV cho NLĐ trong lĩnh vực dịch vụ giải trí” tiếp tục là một hoạt động thiết thực của Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng về đối tượng đang có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS. “Chúng tôi mong muốn tuyên truyền đến cộng đồng nhằm đẩy mạnh việc hỗ trợ lao động đang làm việc trong lĩnh vực giải trí có thêm những giải pháp nhằm chủ động phòng, chống HIV/AIDS. Qua hoạt động này, chúng tôi cũng khẳng định vai trò của tổ chức CĐ trong việc chủ động hỗ trợ, giúp đỡ người lao động trong lĩnh vực giải trí có thêm kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS thực sự hiệu quả” -Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng nhấn mạnh.

P.V

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này