Trường ngoài công lập đào tạo ngành Y - Dược

Dễ dãi trong đào tạo có thể trả giá đắt

09:32 | 01/12/2015
Sau hàng loạt vụ “tai nạn” nghề nghiệp xảy ra trong ngành y tế, vấn đề về chất lượng đào tạo, trình độ chuyên môn của các bác sĩ tương lai tại một số cơ sở đào tạo thuộc ngành y – dược, đang là dấu hỏi lớn. Chính vì thế, việc Bộ GD&ĐT cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y - dược, khiến dư luận xôn xao và lo ngại. Bên cạnh việc sẽ tạo ra tiền lệ, nhiều người cho rằng chất lượng đầu vào, khả năng đào tạo là một vấn đề nan giải.
Nối thành công bàn tay bị đứt rời cho bệnh nhân
Gần 200 sinh viên 'bỗng dưng nợ 8 tỷ đồng' được thi
Thủ khoa Đại học Y chia sẻ về “chơi và học”

Không khỏi lo lắng

Chưa tròn một năm sau khi Bộ GD&ĐT ra quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền và Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối y - dược. Quyết định trên nhận được sự đồng thuận của rất nhiều người. Thời điểm đưa ra quyết định này, Bộ GD&ĐT cho rằng, qua khảo sát cho thấy có nhiều đơn vị không đảm bảo năng lực, chất lượng chuyên môn, nhất là các trường ngoài công lập…

Câu chuyện sẽ không có gì để nói, nếu như mới đây Bộ GD&ĐT không đưa ra quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ (KDCN) Hà Nội được phép đào tạo hai ngành y – dược. Mặc dù quyết định trên được đưa ra nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số địa phương, vùng miền, tuy nhiên, nó vẫn khiến người dân không khỏi lo lắng khi Bộ GD&ĐT trao quyền đào tạo ngành đặc thù cho một trường đại học ngoài công lập. Nhiều người đặt câu hỏi, tăng số lượng bác sĩ, dược sĩ là điều đáng mừng, thế nhưng số lượng tăng, liệu chất lượng có tăng?.

Dễ dãi trong đào tạo có thể trả giá đắt
Trao quyền đào tạo ngành y - dược cho trường ngoài công lập liệu chất lượng có bảo đảm?

Chị Thu Hương (ở đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, HN) tỏ ra lo ngại cho biết, hiện nay các bác sĩ giỏi hầu hết đều tập trung tại các bệnh viện tuyến trung ương, ở địa phương bác sĩ giỏi rất hiếm. Chủ trương tăng cường các bác sĩ cho khu vực nông thôn, miền núi là chủ trương tốt, thế nhưng tăng cường như thế nào mới là quan trọng. Hiện nay, rất nhiều các bệnh viện tại tuyến tỉnh, huyện, thường xuyên để xảy ra các vụ “tai nạn” nghề nghiệp, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự thiếu trách nhiệm, thiếu nghiệp vụ chuyên môn của các y, bác sĩ. Vì thế, nếu như ngành y – dược lại tiếp tục được giao cho các trường ngoài công lập và không chuyên đào tạo thì liệu chất lượng các bác sĩ, y sĩ sau này có bảo đảm chất lượng? Nếu chất lượng đào tạo thấp, sau này đẩy họ về hết nông thôn thì tính mạng người dân sẽ như thế nào?

Không chỉ có chị Hương, nhiều người dân khi được hỏi về vấn đề này đều cho biết, họ nghi ngờ về chất lượng đào tạo ở các trường ngoài công lập, đặc biệt đây lại là một ngành đặc thù đòi hỏi người học phải có tư duy, trình độ hiểu biết cao từ đầu vào lẫn đầu ra.

Liệu có đào tạo ồ ạt?

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, hiện tại nước ta có khoảng 20 trường đại học đào tạo bác sĩ đa khoa, 23 cơ sở đào tạo dược; trình độ cao đẳng có 41 cơ sở đào tạo dược học, 62 cơ sở đào tạo điều dưỡng. Trong số này có một số trường ngoài công lập với điểm đầu vào khá thấp so với mặt bằng chung của ngành đào tạo. Vì vậy, vấn đề lo ngại của người dân về chất lượng đào tạo các y, bác sĩ tại một số trường ĐH ngoài công lập, không phải là không có cơ sở.

Theo một số chuyên gia trong ngành y tế, hiện nay quan niệm về việc người giỏi mới có thể được vào ngành y – dược đang dần có sự thay đổi. Bởi lẽ, hiện có rất nhiều các cơ sở giáo dục được phép đào tạo, trong khi đó cơ sở thực hành hạn chế, thậm chí nhiều trường còn không có cơ sở thực hành, giảng viên thì “vay mượn”…vậy nhân lực đào tạo liệu có đảm bảo về chất lượng? Trước những lo ngại ấy, trả lời các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng, nếu tuyển sinh đầu vào không chất lượng và đầu ra cũng không đạt yêu cầu thì chắc chắn sinh viên ra trường sẽ không có việc làm, khi đó trường mất uy tín và sẽ không thể tiếp tục đào tạo.

Trước ý kiến trên, PGS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, ông không đồng tình với quan điểm dễ dãi trong đào tạo sinh viên ngành y – dược, bởi lẽ, đây là một ngành đặc thù và gắn liền với tính mạng và sức khỏe của con người. Nếu chất lượng đào tạo không tốt hoặc dễ dãi trong đào tạo có thể trả giá bằng tính mạng bệnh nhân. Sinh viên y khoa hệ chính quy vẫn thường được đánh giá là giỏi hoặc xuất sắc, vì điểm đầu vào rất cao so với các ngành học khác. Tuy nhiên, trên thực tế, sau 6 năm đào tạo, đa số sinh viên chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Trong khi đó, các trường ngoài công lập với điểm đầu vào rất thấp, quá trình đào tạo cũng không được quan tâm đúng mức thì các bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp hệ này khó đạt chuẩn tối thiểu đối với chuyên môn. Đó là chưa kể đến việc các sinh viên trong quá trình học, họ còn phải đến bệnh viện thường xuyên để thực hành. Đây là một vấn đề khó đối với các trường ngoài công lập.

Với một trường ĐH, vấn đề chất lượng đầu vào cũng như đầu ra kém, chắc chắn sẽ không thu hút được sinh viên, khi ra trường khó khăn trong vấn đề việc làm chắc chắn sẽ xảy ra. Thế nhưng, với đặc thù của ngành y – dược, sự yếu kém về chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra trường khó thu hút được sinh viên, nhưng hệ quả của những sự yếu kém ấy ai sẽ là người gánh chịu, phải chăng người dân sẽ phải gánh chịu tất cả những “thử nghiệm” ấy. Đó là chưa kể đến vấn đề y đức được đào tạo trong suốt quá trình học, liệu rằng khi đào tạo ngành y – dược tại các trường ngoài công lập, các bác sĩ có đủ y đức để hành nghề khi ra trường?. Đành rằng để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trong ngành y tế, nhưng không thể để việc đào tạo nhân lực dễ dãi và kém hiệu quả.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này