Chính sách đối với thanh niên tình nguyện

Cùng hướng về cộng đồng

15:48 | 01/12/2015
Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa có hiệu lực quy định về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên đã thể hiện tinh thần hướng tới cộng đồng, nhằm mục đích nhân đạo, nhưng cũng đảm bảo một số quyền lợi cho lực lượng này. 
Chương trình “Pru-Tình nguyện” tiếp tục chung sức vì sức khỏe cộng đồng
Tuổi trẻ với phong trào xây dựng nông thôn mới
Sẽ có 100 đội tình nguyện tiếp sức người bệnh

Từ lâu, hình ảnh thanh niên tình nguyện tham gia vào hoạt động tình nguyện như giúp đỡ dân nghèo, bảo vệ môi trường, ứng cứu lũ lụt, phân luồng giao thông… đã để lại trong lòng người dân nhiều ấn tượng đẹp. Và như chúng ta đã biết, để làm những điều thiện nguyện này, lực lượng thanh niên tình nguyện đã không quản vất vả, nguy hiểm, trong đó có bao tấm gương thanh niên tình nguyện đã bị tai nạn, thậm chí là “bỏ lại tuổi xanh” trong khi giúp đỡ người dân.

Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động tình nguyện, cũng như đảm bảo một số quyền lợi cho lực lượng thanh niên này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg. Đây được xem là chính sách đúng đắn giúp nhân rộng tinh thần thiên nguyện, sẻ chia, đoàn kết của toàn dân.

Cùng hướng về cộng đồng
Thanh niên tình nguyện đã trở thành hình ảnh quen thuộc

Theo đó, Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg có một số nội dung nổi bật như lực lượng thanh niên trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện sẽ được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động tình nguyện, được hưởng tiền bồi dưỡng trong thời gian hoạt động tình nguyện, được trang bị phương tiện làm việc, phương tiện bảo hộ cá nhân đảm bảo an toàn, được bồi dưỡng, xét kết nạp vào Đoàn, kết nạp Đảng nếu đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Bên cạnh đó, khi kết thúc hoạt động tình nguyện, thanh niên tình nguyện được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm theo quy định của pháp luật, được xem xét, ưu tiên tuyển chọn tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc nếu hoạt động tình nguyện từ 3 tháng trở lên. Trường hợp tham gia nhiều hoạt động tình nguyện theo đợt thì được cộng dồn thời gian tham gia.

Đối với thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế nhà nước, lực lượng vũ trang tham gia hoạt động tình nguyện có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản mà bị thương cần điều trị theo kết luận của cơ quan y tế thì thời gian nghỉ làm việc để điều trị vẫn được tính vào thời gian hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thanh niên là học sinh, sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản mà bị thương cần điều trị theo kết luận của cơ quan y tế, làm gián đoạn quá trình học tập thì được xem xét, tạo điều kiện để hoàn thành chương trình học tập. Thanh niên có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Đặc biệt, đối với trường hợp thanh niên khi hoạt động tình nguyện có hành động dũng cảm mà chẳng may bị thương, hoặc tử vong thì ngoài việc được hưởng hỗ trợ điều trị, mai táng, đưa về quê theo quy định và còn có thể được hưởng chính sách như thương binh, công nhận là liệt sĩ.

Chính sách này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên.

Khi kết thúc hoạt động tình nguyện, thanh niên tình nguyện được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm theo quy định của pháp luật; được xem xét, ưu tiên tuyển chọn tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc nếu hoạt động tình nguyện từ 3 tháng trở lên. Trường hợp tham gia nhiều hoạt động tình nguyện theo đợt thì được cộng dồn thời gian tham gia.

Lê Thị Ngát, sinh viên năm cuối, chia sẻ: “Từ khi vào học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, em thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện do trường phát động như tham gia bảo vệ môi trường, phân luồng giao thông, tiếp sức mùa thi cho đến giúp đỡ đồng bào lũ lụt. Việc tham gia những hoạt động này đã giúp em được trải nghiệm, có ý thức trách nhiệm hơn với nhân dân, tổ quốc. Vẫn biết làm tình nguyện xuất phát từ tâm của mình, tuy nhiên, nếu nhà nước có những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho những người như chúng em thì thật tốt. Bởi nó giúp cho hoạt động tình nguyện chuyên nghiệp hơn, cũng như đảm bảo được quyền lợi khi không may gặp phải tai nạn đáng tiếc”.

“Anh Nguyễn Văn Minh, hiện làm việc trong Tập đoàn dầu khí Việt Nam, chia sẻ: Tập đoàn dầu khí Việt Nam là đơn vị thường xuyên tổ chức các chương trình tình nguyện như xây nhà từ thiện, tham gia cứu trợ đồng bào lũ lụt… Công tác tại đoàn thanh niên của tập đoàn nên hầu hết các chương trình tôi đều tham gia. Khi tham gia các hoạt động này, tôi thấy rất nhiều tấm gương thanh niên không quản khó khăn, nguy hiểm, lao vào “điểm nóng” để cứu người, cứu tài sản. Và tôi cũng đã nghe, đã chứng kiến nhiều thanh niên tình nguyện bị thương, tử vong khi giúp dân. Nay nhà nước có chính sách đối với những tấm gương hi sinh vì nước, vì dân như vậy thật là niềm vui, niềm vinh dự cho những thanh niên tình nguyện như chúng tôi”.

Ngô Bảo Chi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này