Đề xuất nâng mức phạt hành vi sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển xe máy

Cần thiết song khó thực hiện

07:19 | 28/11/2015
Nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, Bộ GTVT đã đưa ra đề xuất nâng mức phạt hành vi sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) khi điều khiển xe máy lên tới 800.000 đồng, cao gấp 10 lần hiện nay. Việc nâng mức phạt là cần thiết, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn nạn tai nạn giao thông (TNGT), quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân.
Ứng dụng chống khủng bố trên điện thoại di động
Giám sát giao thông từ điện thoại di động: Có xâm phạm đời tư?

Thói quen xấu và hệ lụy

Xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân cũng ngày được nâng lên. Hiện nay, việc sở hữu một chiếc ĐTDĐ là điều hoàn toàn dễ dàng với bất kỳ đối tượng, thành phần, tầng lớp nào trong xã hội. Một trong những thói quen xấu của người sử dụng ĐTDĐ là nhắn tin, nghe, gọi trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Thói quen xấu này đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Nhiều người vẫn chưa quên vụ tai nạn xảy ra tại xã Quang Minh (Gia Lộc, Hải Dương) vào đầu năm 2015, nạn nhân là đôi vợ chồng trẻ vừa mới làm đám cưới. Nguyên nhân gây tai nạn được xác định là khi đang trên đường chở vợ đi gội đầu (cả hai người đều không đội mũ bảo hiểm), người chồng rút điện thoại ra nghe. Do chỉ điều khiển xe máy bằng một tay, nên ngã xe, hậu quả là người vợ văng ra khỏi xe, đập đầu xuống đường và tử vong trên đường đi cấp cứu. Cũng vào đầu năm 2015, em Lê Quý Mạnh (SN 1996) đang điều khiển xe máy trên đường vì mải nghe điện thoại nên đã bị tàu hỏa đâm dẫn tới tử vong trên địa bàn xã Hoằng Quỳ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa)…

Cần thiết song khó thực hiện
Vừa điều khiển xe máy, vừa nghe ĐTDĐ

Theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ TNGT do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương số vụ TNGT do người lái xe sử dụng rượu, bia gây nên. Dùng ĐTDĐ khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung, khả năng điều khiển, kiểm soát vận tốc hạn chế, lúc gặp tình huống bất ngờ sẽ không kịp thời xử lý, rất dễ gây tai nạn. Điều đáng nói, ở các thành phố lớn, với mật độ phương tiện giao thông lưu thông cao, giao thông phức tạp, nhưng hiện tượng người lái xe vừa điều khiển phương tiện vừa dùng ĐTDĐ lại khá phổ biến. Nguyên nhân do người dân chưa ý thức được nguy hiểm khi vừa lái xe vừa sử dụng ĐTDĐ. Hơn nữa do lực lượng CSGT không thể kịp thời phát hiện, xử lý hết những lỗi vi phạm này nên người dân dần quên rằng mình đang phạm luật và hệ lụy đến từ những vụ TNGT là điều tất yếu.

Cần nâng cao ý thức của người dân

Bộ GTVT vừa đưa ra dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, kiến nghị nâng mức phạt hành vi sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển xe máy lên từ 600.000 - 800.000 đồng, cao gấp 10 lần hiện nay. Dự thảo này đang được lấy ý kiến người dân, theo kế hoạch sẽ ban hành vào tháng 12/2015. Đây là đề xuất được nhiều người đồng tình, ủng hộ bởi đó cũng là một trong những biện pháp nhằm giảm TNGT. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Anh Trần Ngọc Quang (ở KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cho biết: “Nghe ĐTDĐ khi điều khiển xe mô tô, xe máy gây nguy hiểm tính mạng cho những người đang lưu thông trên đường. Vì vậy, trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang vào cuộc mạnh mẽ để có được sự đồng bộ trong việc đảm bảo an toàn giao thông thì việc nâng chế tài xử phạt với hành vi này là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc xử phạt có lẽ sẽ gặp khó khăn bởi không phải lúc nào cũng có lực lượng CSGT ở mọi nơi mọi lúc để giám sát những hành vi sử dụng ĐTDĐ đối với người tham gia giao thông. Mặt khác, hành vi này diễn ra nhanh, việc ghi lại hình ảnh để chứng minh vi phạm gần như không thể, nên nếu người vi phạm cố tình chối tội thì lực lượng chức năng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Việc xử phạt có lẽ sẽ gặp khó khăn bởi không phải lúc nào cũng có lực lượng CSGT ở mọi nơi mọi lúc để giám sát những hành vi sử dụng ĐTDĐ đối với người tham gia giao thông. Mặt khác, hành vi này diễn ra nhanh, việc ghi lại hình ảnh để chứng minh vi phạm gần như không thể, nên nếu người vi phạm cố tình chối tội thì lực lượng chức năng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Ngọc Anh (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định cụ thể về việc cấm sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông, nhưng tình trạng vi phạm vẫn khá phổ biến và chưa được lực lượng CSGT nhắc nhở, xử phạt triệt để. Đa phần người tham gia giao thông chưa ý thức được sự nguy hiểm cũng như các rủi ro sẽ xảy ra hoặc có ý thức được nhưng do chủ quan nên vẫn cố tình vi phạm. Để hạn chế tình trạng trên, lực lượng CSGT cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng ĐTDĐ khi tham gia giao thông, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của việc sử dụng ĐTDĐ khi tham gia giao thông cũng như các hành vi vi phạm khác quy định trong Luật Giao thông đường bộ, hậu quả và chế tài xử lý cụ thể đối với người vi phạm. Mặt khác, cần chú trọng tuyên truyền kiến thức về an toàn giao thông, kỹ năng xử lý tình huống, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Qua đó, kêu gọi mọi người nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo trật tự, kỷ cương đô thị.

Hoàng Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này