Năm 2016 cắt giảm hơn 4.000 biên chế

Tiến tới bộ máy công quyền gọn nhẹ, hiệu quả

05:54 | 26/11/2015
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016.
Xây dựng đề án tinh giản biên chế

Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã là 272.916 biên chế. Trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 110.559 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh, cấp huyện 160.272 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế; biên chế công chức dự phòng 1.000 biên chế. Cũng theo quyết định của Thủ tướng, tổng biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016 là 686 biên chế.

Tiến tới bộ máy công quyền gọn nhẹ, hiệu quả
Ảnh minh họa

Như vậy so với năm 2015, năm 2016 giảm 4.139 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Ngay sau khi Thủ tướng ký quyết định, dư luận nhân dân hết sức đồng tình với lộ trình cắt giảm biên chế của Chính phủ. Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có khoảng 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Tính toán của các chuyên gia cho hay: Nếu mỗi cơ quan này giảm đi một cấp phó, mỗi năm sẽ giảm chi ngân sách 4.000 tỷ đồng. Nếu giảm biên chế 10% ở các cơ quan này chắc chắn sẽ giảm chi hàng chục ngàn tỷ đồng/năm. Đặc biệt, nếu làm đúng tinh thần của Bộ Chính trị nghiên cứu nhất thể hóa một số cơ quan Đảng và chính quyền thì số lượng công chức sẽ còn được giảm nhiều hơn, số tiền tiết kiệm từ chi tiêu cho hoạt động của bộ máy cũng lớn hơn.

Ví dụ điển hình nhất, Quảng Ninh mới chỉ thí điểm mô hình nhất thể hóa một số văn phòng các ban của hệ thống Đảng, đoàn thể, chính trị, mỗi năm đã tiết kiệm cho ngân sách cả trăm tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra, liệu năm 2016 tinh giản 4.000 biên chế có khó không? Chắc chắn câu trả lời là không khó, thậm chí chúng ta có thể cắt giảm nhiều hơn thế trong hệ thống cơ quan hành chính (không tính hệ thống chính trị, đoàn thể, hội nghề nghiệp). Chỉ đơn cử, hệ thống các cơ quan bộ hiện nay quá nhiều biên chế. Bộ nào cũng có hẳn một viện nghiên cứu chiến lược chính sách, nhưng hiệu quả mang lại thì rất mờ nhạt. Thậm chí, ngay Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có Viện Chiến lược phát triển, chục năm qua, nay còn có thêm Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TW.

Biên chế nhiều, công chức lắm đồng nghĩa với việc người làm ra tiền thì ít, người tiêu tiền thì nhiều. Để hạn chế bất cập này, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về số lượng công chức, biên chế năm 2016 nhằm làm gọn nhẹ và hiệu quả hóa bộ máy công quyền. Trao đổi với PV LĐTĐ bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay: Quyết định phê duyệt biên chế năm 2016 chỉ áp dụng cho các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương. Mục tiêu là làm gọn nhẹ bộ máy cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh đối với đội ngũ công chức trong các cơ quan để mỗi công chức có hiệu suất làm việc hiệu quả...

Hà Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này