Nghệ sĩ hài và nghệ sĩ sân khấu truyền thống: Kẻ vui, người buồn

13:28 | 24/11/2015
Hàng loạt chương trình truyền hình thực tế nối nhau ra mắt khán giả, kéo theo đó là cuộc “chạy đua” của các nghệ sĩ có tên tuổi. Nhưng nghịch lý là khi các nghệ sĩ hài bội thu show diễn thì không ít nghệ sĩ sân khấu truyền thống khó thể trụ được với nghề, không tìm được đất diễn dù họ có tài năng.
Nghệ sỹ hài Việt ngày càng đắt show

Nghệ sĩ hài kiệt sức vì chạy “sô”

Còn nhớ cách đây khoảng 2 năm, khi các gameshow truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc đã khiến khán giả bội thực thì sự ra đời của chương trình truyền hình thực tế hài “Ơn giời, cậu đây rồi!” như một món đặc sản đổi vị cho khán giả, đồng thời đáp ứng mong mỏi có thêm sân chơi cho các nghệ sĩ hài. Theo nhà sản xuất “Ơn giời, cậu đây rồi!” mùa đầu tiên, trong năm 2014, chương trình truyền hình này có tỉ suất người xem cao nhất trên VTV3, và đạt gần 250.000 lượt đăng ký theo dõi, hơn 150 triệu lượt xem trên kênh Youtube. Sau thành công của “Ơn giời, cậu đây rồi!”, sân chơi truyền hình thực tế hài nối đuôi nhau lên sóng truyền hình. Các chương trình hài ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. Điểm mặt trong hai năm qua là sự xuất hiện hàng chục chương trình hài ở đủ các kênh của trung ương lẫn địa phương như “Thách thức danh hài”, “Người bí ẩn”, “Bí mật đêm chủ nhật”, “Cười là thua”, “Cười xuyên Việt”, “Chết cười”,…

Bên cạnh đó, rất nhiều chương trình khác có các nghệ sĩ hài ngồi ghế giám khảo, bình luận, làm MC như: “Gương mặt thân quen”, “Hoán đổi”, “Thử thách cùng bước nhảy”, “Đàn ông phải thế”, “Chuẩn cơm mẹ nấu”,… Các nghệ sĩ hài như Hoài Linh, Chí Tài, Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang, Đại Nghĩa, Xuân Bắc,… vì thế cũng xuất hiện nhẵn mặt trên truyền hình. Công bằng mà nói, việc một số nghệ sĩ đắt show như hiện nay cũng nhờ tên tuổi, tài năng và duyên nghề của họ. Một số nhà sản xuất chương trình thừa nhận, nhờ có sự xuất hiện của họ, các chương trình truyền hình thực tế đang phát sóng mới đảm bảo lượng rating (lượt người xem) và thu hút khán giả.

Nghệ sĩ hài và nghệ sĩ sân khấu truyền thống: Kẻ vui, người buồn
Các nghệ sĩ hài bội thu show diễn

Song, thực tế, chạy sô thì sức sáng tạo cũng vì thế mà dần kém đi, tiếng cười nghệ thuật thì ngày một nhạt. “Ơn giời, cậu đây rồi!” mùa thứ hai kém duyên hơn hẳn so với mùa đầu tiên là một ví dụ điển hình. Một khán giả tên Tuyết Nhung than thở rằng: “Trong tuần có bao nhiêu chương trình hài thì tất cả các chương trình đó đều có mặt Trấn Thành, Việt Hương, Hoài Linh. Họ vừa làm diễn viên ở chương trình này, vừa làm MC rồi lại giám khảo của chương trình khác. Vài ba chương trình còn xem được, chứ xuất hiện mãi thì nhàm quá.”

Nghệ sĩ sân khấu truyền thống vật vã bám trụ

Trong khi các nghệ sĩ hài bội thu show diễn thì không ít nghệ sĩ sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống, không thể trụ được với nghề, không tìm được đất diễn dù họ có tài năng. Nghệ sĩ cải lương Quang Khải (Đoàn 1 – Nhà hát Cải lương Việt Nam) cho rằng, thật khó có thể so sánh nghệ sĩ hài với nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống.

Nghệ sĩ Quang Khải tâm sự: “Giai đoạn này, không ít nghệ sĩ có cùng một suy nghĩ muốn chuyển nghề để thu nhập cao hơn. Tuy nhiên lòng yêu nghề, khao khát được thể hiện mình trên sân khấu truyền thống đã níu giữ các nghệ sĩ ở lại. Trong số đó, không ít người làm những nghề tay trái để nuôi nghề và nuôi sống bản thân”.

Nhiều người nói nghệ sĩ ít “sô” vì họ kém duyên, kém tài. Tuy nhiên theo nghệ sĩ cải lương Quang Khải, điều khiến anh chạnh lòng nhất là hiện nay các nghệ sĩ truyền thống thiếu đất diễn để thể hiện tài năng. “Một năm, mỗi đoàn của nhà hát Cải lương Việt Nam chỉ được dựng một vở diễn theo kế hoạch. Vì thế, các nghệ sĩ rất ít cơ hội được cống hiến năng lực, khả năng của mình thông qua các vai diễn. Các nghệ sĩ trẻ cũng khó khăn trong việc cọ sát với các vai diễn chính. Việc phân vai cũng là một bài toán khó làm đau đầu các đạo diễn” – nghệ sĩ Quang Khải tâm sự.

Bên cạnh đó, mức lương và cơ chế bồi dưỡng của các nghệ sĩ hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật truyền thống nhà nước còn quá thấp. Nghệ sĩ Hán Văn Tình than thở: “Đa số các nghệ sĩ không có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Ngoài mức lương cơ bản tính theo hệ sơ cấp, mỗi diễn viên nhà hát Tuồng Việt Nam được bồi dưỡng từ 10.000 – 15.000/buổi tập, còn diễn viên chính thì 20.000đ.” Còn tại nhà hát Cải lương Việt Nam, mỗi vai diễn chính được trả 200.000đ/buổi diễn. Tiền bồi dưỡng còn phụ thuộc vào từng hợp đồng biểu diễn.

Khó khăn là thế, nhưng khi được hỏi sao không bỏ sân khấu truyền thống để chạy theo truyền hình thì nghệ sĩ Quang Khải tâm sự: “Giai đoạn này, không ít nghệ sĩ có cùng một suy nghĩ muốn chuyển nghề để thu nhập cao hơn. Tuy nhiên lòng yêu nghề, khao khát được thể hiện mình trên sân khấu truyền thống đã níu giữ các nghệ sĩ ở lại. Trong số đó, không ít người làm những nghề tay trái để nuôi nghề và nuôi sống bản thân”.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này