Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII

Giám sát chặt sẽ đẩy lùi tham nhũng, thất thoát, lãng phí

16:33 | 20/11/2015
Sáng 20.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và  Hội đồng Nhân dân (HĐND) với tỷ lệ 83,20% đại biểu tán thành. 

Giám sát nghiêm ngặt doanh nghiệp sử dụng hóa chất
Giám sát đặc biệt doanh nghiệp mất an toàn tài chính
Thành lập tổ công tác giám sát việc bình ổn giá
Giám sát thực thi quy hoạch bán đảo hồ Linh Đàm
Giám sát chặt sẽ đẩy lùi tham nhũng, thất thoát, lãng phí
Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước có chức năng giám sát tối cao

Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được thông qua gồm 5 chương, 9 điều, quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH; HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.
Theo quy định của Luật, các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội bao gồm: Xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch Nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan khác do Quốc hội thành lập và các báo cáo khác; Xem xét văn bản quy phạm pháp luật quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Luật này có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn; Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; Xem xét báo cáo của Ủy ban lâm thời do Quốc hội thành lập để điều tra về một vấn đề nhất định. Cùng với đó, Quốc hội tiến hành giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Xem xét báo cáo của UBTVQH về kiến nghị giám sát của UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH.

Giám sát chặt sẽ đẩy lùi tham nhũng, thất thoát, lãng phí
Trong nhiều năm qua, HĐNDTP Hà Nội luôn thực thi quyền giám sát rất hiệu quả

Về hoạt động giám sát của HĐND, theo quy định của Luật, các hoạt động giám sát của HĐND gồm: Xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác; Xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn. Cùng với đó, HĐND giám sát thông qua hoạt động xem xét quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp khi phát hiện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp; Giám sát chuyên đề. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Cũng theo quy định của Luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước chủ thể giám sát đó không thuộc diện được tiếp cận; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát; nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết giám sát của Quốc hội, UBTVQH, HĐND; thực hiện kết luận, kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH, thường trực HĐND, ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Theo các đại biểu, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Vì vậy, nếu giám sát chặt, khâu quản lý sẽ được nghiêm hơn, thất thoát, lãng phí sẽ bị đẩy lùi

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này