Có nên chiếu phim về giới và đưa chuyện đời tư lên đài?

10:03 | 21/11/2014
Dư luận xôn xao về việc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đang chiếu phim về giáo dục giới tính trên kênh VTV2 trước mắt là phim Sex and city (chuyện ấy là chuyện nhỏ). Đồng thời, một số phương tiện thông tin đại chúng cũng rùm beng câu chuyện về tuổi thật cầu thủ Công Phượng. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên và Nhi Đồng của Quốc Hội, ông Đào Trọng Thi đã trao đổi với PV về quan điểm của mình.

Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm xung quanh việc Đài THVN phát sóng bộ phim về giáo dục giới tính cho thanh niên?

Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên là một việc làm đúng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đạt được mục đích, tránh biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra. Thế nên, điều quan trọng phải lựa chọn thời gian phát sóng như thế nào, thẩm tra, thẩm định phim ra sao. Nhiều người quan niệm, lúc 23 giờ đêm đã là khuya, thời gian đó trẻ con đã đi ngủ không ảnh hưởng, song cũng có thể thời gian đó chúng ta nghiên cứu xem đã hợp lý chưa, có thể lùi lại khuya hơn một chút được không? Quan trọng, chương trình phải nhắm đến đúng đối tượng là thanh niên, nhưng phải tránh cho bằng được những đối tượng vị thành niên xem.

Như vậy cần có khảo sát của nhà đài về vấn đề thời gian. Còn theo tôi, cái khó hơn là phải thẩm định những phim chiếu ra đã phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của người Việt hay chưa? Có thể với nước ngoài là bình thường, song với nước ta, nền văn hóa của ta lại là chuyện khác, chưa phù hợp. Ta không sản xuất được phim mà đa số đi nhập. Câu hỏi đặt ra nước ngoài làm được, sao ta không làm được.

Vậy thưa ông, cơ quan nào sẽ đứng ra thẩm định?

Thứ nhất, đài truyền hình phải chịu trách nhiệm chính về khâu thẩm định trước khi phát sóng. Thứ hai, Bộ Văn hóa- Thể thao - Du lịch với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cũng phải chịu trách nhiệm thẩm định. Đồng thời, Bộ Thông tin- Truyền thông cũng có thể tham gia. Trong đó tổng giám đốc các cơ quan truyền hình phải chịu trách nhiệm chính.

Nếu như vượt quá tầm kiểm soát, làm dư luận nhân dân bức xúc thì các cơ quan của Quốc hội có vào cuộc không, thưa ông?

Chúng tôi có thể tham gia vào quá trình thảo luận, trao đổi, còn đưa vào giám sát thì phải có thời gian. Nghĩa là quá trình hoạt động của các đài chiếu phim giáo dục giới tính ra sao.
 
Thế còn liên quan đến câu chuyện đời tư, điển hình nhất vừa qua các báo mạng, nhà đài đã khai thác quá sâu đời tư cầu thủ Công Phượng, dẫn đến sự phản ứng trong dư luận. Ông nghĩ sao?
Những gì diễn ra đến nhân thân, ví như trường hợp cầu thủ Công Phượng mà các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải liên tục trong mấy tuần qua thực ra cũng chưa vi phạm pháp luật. Do đó, việc họ phát sóng, đăng tin bài là quyền của các cơ quan thông tấn.

Nhưng có đại biểu nói rằng, việc can thiệp quá sâu vào một con người mới bước qua tuổi vị thành niên là không nên?

Thực ra đây là câu chuyện đời tư của cá nhân. Đó là quyền công dân. Tôi cho rằng vấn đề này cần phải nghiên cứu kỹ xem những gì đào sâu vào đời tư cầu thủ Công Phượng đã vi phạm luật chưa? Các cơ quan chức năng cần phải “thổi còi” chưa? Thực ra  văn bản pháp quy quy định quyền riêng tư con người hiện đang quá chung chung. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp, trong đó quy định rất rõ quyền con người. Đây chính là cơ sở quan trọng để các văn bản luật, dưới luật có căn cứ để đề cập những nội dung cụ thể hơn về quyền riêng tư.

Xin cảm ơn ông

Ng. Tuấn- T. Giang
(Thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này