Thảm họa mang tên tai nạn giao thông

07:16 | 21/11/2015
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa tổ chức lễ cầu siêu, tưởng niệm những người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) với thông điệp “Tưởng nhớ người đi xa vì người ở lại”. Đây là năm thứ 4, Việt Nam hưởng ứng Ngày tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông thế giới - ngày 15/11 hằng năm. Nỗi đau TNGT thật khủng khiếp, bởi mỗi năm số người chết, người bị thương nhiều hơn cả khủng bố, chiến tranh.
Thông tin mới vụ taxi đâm hàng loạt người ở cầu vượt
Ngày 15-11, ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông
Một chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh trên đường làm nhiệm vụ

Vẫn biết, mọi sự so sánh về cái chết là điều không nên, nhưng không thể không nhắc đến những con số, mỗi ngày, ở nước ta có trung bình 24 người chết, 60 người bị thương tật suốt đời do TNGT. Đã có 7.185 người chết vì TNGT trong 10 tháng đầu năm 2015. Điều đó có nghĩa cứ 5 ngày số nạn nhân chết vì TNGT tương đương vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11 vừa qua. Cứ 12 ngày, số nạn nhân chết vì TNGT tương đương vụ máy bay MH17. TNGT ở Việt Nam còn kinh hoàng hơn nhiều lần so với khủng bố, chiến tranh. Những con số trên liệu đã đủ thức tỉnh mọi người tham gia giao thông hiện nay?

“Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống. Vì sự phát triển chung của đất nước, vì tương lai của con em chúng ta, vì mạng sống của mỗi cá nhân, các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp ở trung ương và địa phương cùng đồng chí, đồng bào hãy làm những gì có thể để giao thông ở nước ta ngày càng văn minh hơn, an toàn hơn. Hãy sống có ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình để những tai nạn thương tâm không bao giờ còn xảy ra"- Đó là thông điệp mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia gửi đến người dân tại lễ tưởng niệm nạn nhân bị tai nạn giao thông mới đây.

Thảm họa mang tên tai nạn giao thông
Hiện trường một vụ TNGT

Mỗi ngày, ở Việt Nam có trung bình 24 người ra khỏi nhà vào buổi sáng và sẽ không bao giờ trở về nhà. Mỗi ngày có trung bình 60 người ra khỏi nhà lành lặn, về nhà với thương tật trên người, thậm chí tàn phế suốt đời... Cách đây vài năm, con số này còn cao hơn nhiều. Với rất nhiều nỗ lực, giải pháp, 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã giảm được một nửa số vụ tai nạn giao thông, giảm được 60% số người bị thương, nhưng với những con số hiện tại của tháng 10 -2015 thì tình hình vẫn đáng báo động. Chỉ tính riêng tháng 10, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.978 vụ TNGT làm chết 667 người, làm bị thương 1.826 người. Những con số đã giảm dần song vẫn mang theo biết bao bi kịch của hàng vạn gia đình. Ẩn chứa sau những con số đó là những cái chết tức tưởi, đau đớn, bàng hoàng chỉ trong tích tắc.

Đau đớn hơn, 40% số người tử vong do TNGT tại Việt Nam là những người trẻ tuổi và cũng 40% trong số họ là những trụ cột gia đình. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mỗi nămTNGT gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng gần 1 tỷ USD, tức là 1,64% GDP. Đã đến lúc, mỗi người Việt Nam cần phải nhận thức nghiêm túc về tác hại khủng khiếp của TNGT. Đã đến lúc, chúng ta cần phải dũng cảm và chân thành nhìn thẳng vào sự thật là trong mỗi vụ TNGT có trách nhiệm của từng cá nhân, của cộng đồng.

Thảm họa mang tên tai nạn giao thông

Hẳn nhiều người còn nhớ, hậu quả từ vụ động đất ở Nepal khiến gần 8.000 chết, con số này cũng xấp xỉ số người thiệt mạng vì TNGT ở Việt Nam mỗi năm. Sau những mất mát từ chiến tranh, xung đột, thiên tai, chúng ta thấu hiểu hơn giá trị của hòa bình, sự mong manh của mạng sống con người, nhưng dường như nhiều người chưa hiểu nỗi có một nỗi đau mang tên TNGT.

Số người chết vì TNGT đã giảm xuống 9.000 người từ năm 2014, trước đó là 12-14.000 người/năm, nhưng những con số này vẫn quá khủng khiếp, TNGT vẫn ám ảnh chúng ta hằng giờ, hằng ngày. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai quyết liệt, hệ thống đường giao thông đã và đang được cải thiện, gia tăng các chế tài xử phạt, tuyên truyền, vận động, giáo dục…nhưng nếu mỗi ngày vẫn có trên 20 sinh mạng bị cướp đi bởi TNGT, 60 người tàn phế vì TNGT thì quả hệ lụy cho người thân, xã hội và với chính người sống sót sau tai nạn.

Nhiều người nước ngoài coi việc tham gia giao thông ở Việt Nam là nỗi sợ hãi khủng khiếp. Mọi người đều phải ra đường, nhưng chẳng ai dám chắc mình bình yên trở về nhà mỗi ngày. "Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam"- Nhiều người nước ngoài đã nói với nhau như thế! Họ cũng đau với những con số: 10 năm qua Việt Nam có 120.000 người tử vong vì TNGT, cao hơn cả thương vong trong thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật Bản, tương đương 40 vụ rơi máy bay thảm khốc mỗi năm... Thiệt hại do TNGT gây ra đáng báo động, người chết, tàn hại vật chất, mất mát cả tinh thần và của cải đè nặng lên từng mái nhà, hình ảnh đất nước xấu đi rất nhiều trong mắt bạn bè quốc tế.

Tình hình TNGT đang diễn ra ngày càng phức tạp, trở thành vấn nạn xã hội cần phải được chấn chỉnh. Đây là vấn đề chung của xã hội, nhưng mỗi công dân cần phải có trách nhiệm trong việc giảm thiểu TNGT. Mỗi người tham gia giao thông cần có ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Nếu mỗi người có ý thức chấp hành tốt luật lệ giao thông thì cả xã hội sẽ chấp hành tốt và TNGT sẽ giảm. Giảm thiểu TNGT là trách nhiệm của mỗi người.

Hồ Thu Thủy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này