Thị trường dược liệu y học cổ truyền đang thả nổi

14:02 | 19/11/2015
Chất lượng dược liệu sử dụng tại các cơ sở y học cổ truyền (YHCT) đóng vai trò rất quan trọng, nó quyết định trong công tác phòng và chữa bệnh cho người dân. Chính vì thế, việc đánh giá đúng chất lượng dược liệu đang là vấn đề cấp bách.
KOICA hỗ trợ ngành y học cổ truyền
Thương lái ngoại tận thu, người dân tận diệt cây thuốc quý
80% dược liệu ở phố Lãn Ông mập mờ nguồn gốc
Đua nhau khai thác cây dược liệu bán cho thương lái Trung Quốc

Nhập nhèm chất lượng

Thời gian qua, thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Sở KHCN của Hội đông y Hà Nội “Đánh giá thực trạng chất lượng một số dược liệu thường dùng trong thuốc YHCT trên địa bàn Hà Nội”, hội đã tiến hành lấy mẫu dược liệu tại 4 doanh nghiệp, 10 hộ cá thể, 4 bệnh viện YHCT, 4 bệnh viện đa khoa, 24 phòng chẩn trị, 1 trung tâm kế thừa . Tổng số mẫu được sử dụng để phân tích là 300 mẫu của 20 dược liệu. Kết quả: chỉ có 27/300 mẫu (chiếm 9%) đạt yêu cầu; 45/300 mẫu (chiếm 15%) là dược liệu không đúng loài, dược liệu giả; 228/300 mẫu (chiếm 76%) là dược liệu thật nhưng chất lượng không đạt một hoặc nhiều tiêu chuẩn của “Dược điển Việt Nam IV”.

Theo báo cáo của đoàn Thanh tra, Sở Y tế Hà Nội, năm 2007 kết quả kiểm tra hành nghề kinh doanh dược liệu, đông dược chỉ riêng tại Ninh Hiệp (Gia Lâm) thì chỉ có 19/200 hộ kinh doanh dược liệu có giấy phép và năm 2012, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, đã tiến hành kiểm tra và kết luận có đến 60% số mẫu trong số 400 mẫu dược liệu tại 70 cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước không bảo đảm chất lượng.

Thị trường dược liệu y học cổ truyền đang thả nổi

Từ đó cho thấy, chất lượng của dược liệu cả nước nói chung và chất lượng đông dược tại Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều chuyên gia cho rằng, hầu hết dược liệu khi đến tay người tiêu dùng phải qua các khâu chế biến và mỗi một đơn vị lại có một quy trình chế biến khác nhau vì không có quy định cụ thể nên cũng không ai giám sát... Việc thả nổi quản lý chất lượng trong chủng loại, chế biến và nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến dược liệu sản xuất trong nước không cạnh tranh nổi với dược liệu nhập ngoại.

Theo Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Nguyễn Hồng Siêm, chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, hiện nay chất lượng dược liệu về thuốc đông dược còn nhiều bất cập, một số dược liệu chưa đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và sức khỏe của bệnh nhân. Thuốc nói chung và dược liệu – đông dược nói riêng được sử dụng để phòng và điều trị bệnh cho cộng đồng. Thuốc cũng là một hàng hóa, nhưng đó là loại hàng hóa đặc biệt. Ngành dược nói chung và sản xuất dược liệu, bào chế đông dược nói riêng là một ngành kinh tế - kỹ thuật. Vì vậy, có nhiều yếu tố về kỹ thuật và các quy luật kinh tế (nhất là kinh tế thị trường) ảnh hưởng đến chất lượng của dược liệu từ khâu tạo nguồn, phân phối, bảo quản và sử dụng.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, hiện nay thị trường thuốc Đông y Việt Nam đang bị bỏ ngỏ, các cơ quan chức năng chưa kiểm tra đúng mức nên dẫn đến việc sản xuất không an toàn và kém hiệu quả. Có nhiều bài thuốc sản xuất không theo bài bản của đông y. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vì lợi nhuận đã làm giả hoặc sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong quá trình gieo trồng, chế biến và bảo quản dược liệu.

Cần có giải pháp kịp thời

Theo điều tra của Viện Dược liệu, Việt Nam có khoảng 3.948 loài cây thuốc, 52 loài tảo biển, 75 loại khoáng vật, 408 loài động vật làm thuốc, trong đó, có nhiều loại có giá trị cao, là dược liệu quý đã được thế giới công nhận như cây hồi, cây gió bầu, cây quế, atisô, sâm Ngọc Linh, cây tràm, hoa hoè, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam…Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính hàng năm khoảng 3.000-5.000 tấn. Với chủng loại và số lượng như vậy, Việt Nam được coi là nước có nguồn dược liệu rất đa dạng và phong phú. Một điều cũng hết sức nghịch lý là, trong khi Việt Nam là xứ sở của hàng ngàn cây thuốc, nhưng vẫn phải nhập khẩu hơn 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc trong nước.

Hiện cả nước có 54 bệnh viện YHCT, 100% các bệnh viện đa khoa tỉnh và 70% trung tâm y tế huyện đã có khoa hoặc tổ YHCT. Theo đánh giá của WHO, Việt Nam là nước có tiềm năng YHCT và đã đạt được những thành công ban đầu trong việc kết hợp YHCT với y học hiện đại. YHCT ở Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc giảm nhẹ gánh nặng chi phí y tế quốc gia. Điều đặt ra ở đây là, cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể để không chỉ kiểm soát “phần ngọn” của dược liệu mà cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu nuôi trồng, khai thác, chế biến và đặc biệt là đưa vào sử dụng.

Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Nguyễn Hồng Siêm, chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, cho biết, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và các Sở Y tế) đã vào cuộc quyết liệt xong vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu chất lượng chưa đảm bảo. Để có dược liệu sạch, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn GACP, nhà nước cần phải có chính sách ưu tiên về quy hoạch, nuôi trồng; cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm xác định đúng các dược liệu cần phát triển và nuôi trồng dược liệu; cần có chính sách thích hợp về nhập khẩu các dược liệu mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Bên cạnh các chính sách mậu dịch, cần tổ chức kiểm tra chất lượng các dược liệu trước khi nhập vào Việt Nam; tăng cường hệ thống kiểm tra về hành chính và kiểm nghiệm chất lượng nguồn dược liệu về pháp quy, tổ chức, nhân sự và trang bị kỹ thuật nhằm quản lý chất lượng dược liệu, thuốc đông dược từ khâu tạo nguồn, thu hoạch, bảo quản, phân phối, chế biến, bào chế và sử dụng; cần có chế tài mạnh hơn, xử lý nghiêm hơn về các hành vi mua bán, sản xuất các dược liệu thuốc đông dược giả và kém chất lượng của các cơ sở, cá nhân vi phạm; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ các tổ chức, các nhân sản xuất, mua bán dược liệu, thuốc đông dược.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này