Bi đát những nạn nhân sống sót trong tai nạn lao động

10:58 | 19/11/2015
Những nạn nhân sống sót trong các vụ tai nạn lao động đang để lại những nổi đau mất mát lớn cho cả gia đình và toàn xã hội, bởi không chỉ thiệt hại về kinh tế mà tương lai của họ ở phía trước cũng mù mịt. 
Giảm tần suất tai nạn lao động chết người
Tai nạn lao động vẫn được hưởng bảo hiểm y tế
Thế nào được gọi là tai nạn lao động?
Quy định mới về bồi thường tai nạn lao động

Sống đời thực vật

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Thế Tùng (SN 1993, ở thôn 3, xã Thiệu Thịnh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), ngôi nhà cấp 4 ở phía cuối làng của vùng nông thôn hẽo lánh. Trong gian buồng chật hẹp chỉ đủ kê chiếc giường mới cưới, anh Tùng rớm nước mắt kể lại, cách đây chưa đầy năm anh lập gia đình, trong lúc vợ đang mang thai anh tranh thủ đi làm thuê nghề xây dựng. Vào ngày giữa tháng 5/2015, đang chát tường nhà thì bất ngờ anh bị trượt chân ngã từ tầng 4 xuống đất và nằm bất tỉnh tại chỗ.

Bi đát những nạn nhân sống sót trong tai nạn lao động
Anh Lê Thế Tùng bị liệt toàn thân trong một vụ tai nạn lao động

Nhiều người vội đưa anh vào bệnh viện cấp cứu, anh Tùng bị dập gan, tràn dịch phổi, thủng ruột, gẫy tay phải, rạn xương chậu, gẫy cột sống. Sau đó anh được chuyển viện ra Hà Nội tiếp tục cấp cứu, 20 ngày sau anh mới tỉnh lại. Mặc dù thoát khỏi tử thần nhưng anh bị liệt toàn thân, mọi công việc hiện nay đều do bố, mẹ và vợ thay nhau chăm sóc.

Gia đình anh cho biết, những ngày qua đã phải vay mượn hết 500 triệu đồng để điều trị nhưng bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm, nhà thì nghèo không biết lấy tiền đâu để trả nợ, trong khi đó Tùng lại là lao động chính trong gia đình. Nhiều tháng nay anh không ăn được cơm mà chỉ ăn chút cháo, người chỉ còn da bọc xương, yếu ớt sống cảnh đời thực vật.

Trường hợp anh Trần Văn Lệ (SN 1975, ở Phố Thiều, xã Dân Lý, Triệu Sơn, Thanh Hóa) cũng bị tai nạn lao động, đã gần 15 năm trôi qua anh phải nằm một chỗ, ăn uống khó khăn. Anh Lệ cho biết, ngày đó anh đi vào miền Nam làm thuê nghề xây dựng, bất ngờ dàn giáo bị sập khiến anh rơi từ độ cao 10 mét xuống đất.

Anh được đưa vào bệnh viện cấp cứu, tai nạn lao động làm anh bị gẫy cột sống, đứt tủy, gia đình phải vay mượn hàng trăm triệu đồng và đã bán gần hết mảnh đất đang ở để lấy tiền điều trị tiếp cho anh. Mặc dù thoát chết nhưng anh đã bị liệt toàn thân và mãi mãi sống đời thực vật. Cũng từ đó đến nay mẹ anh hằng ngày vừa tranh thủ đi làm vừa phải chăm sóc cho con.

Bi đát những nạn nhân sống sót trong tai nạn lao động
Anh Trần Văn Lệ phải nằm một chỗ do bị tai nạn lao động

Gần đây, trường hợp anh Vũ Văn Toàn (SN 1981, ở làng Nội, xã Định Hòa, Yên Định, Thanh Hóa), cũng rất bi đát. Ngày 13/10/2015, anh Toàn đi làm xây dựng cho một gia đình, khi đó không may dàn giáo bị nghiêng và anh bất ngờ bị ngã ngồi rơi xuống đất. Anh Toàn được đưa vào bệnh viện cấp cứu và may mắn thoát chết, nhưng anh bị gẫy cột sống và liệt nửa người thân dưới, giờ cũng phải nằm một chỗ, ăn uống, vệ sinh phải có người phụ giúp.

Gia đình anh Toàn thuộc thành phần nghèo, trong khi bị tai nạn lao động gia đình phải vay mượn gần 200 triệu đồng để điều trị, không biết sau này lấy gì trả nợ. Giờ nằm một chỗ anh Toàn rất bi quan vì tương lai phía trước chỉ thấy những màu tối…

Cần tuân thủ những quy định

Theo thống kê của sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, năm 2014 trên toàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ tai nạn lao động, làm 16 người chết, 21 người bị thương nặng. Ngoài ra trong năm cũng xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông (được xem là tai nạn lao động) làm 7 người chết, 13 người bị thương. 6 tháng năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn lao động, làm chết 6 người và bị thương nặng 12 người.

Ông Trịnh Quốc Chung, Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (sở LĐTB&XH Thanh Hóa) cho biết, đa số những vụ tai nạn lao động xảy ra thường do người lao động chưa được tập huấn về an toàn lao động và chưa được trang bị bảo hộ lao động.

Bi đát những nạn nhân sống sót trong tai nạn lao động
Anh Vũ Văn Toàn bị liệt nửa người thân dưới do tai nạn lao động

Bên cạnh đó, những người lao động làm việc thường theo mùa vụ, làm ngày nào trả lương ngày đó, không có hợp đồng lao động, bảo hiểm…khi xảy ra tai nạn người lao động thì nạn nhân đều bị thiệt và gánh chịu hậu quả.

Với chức năng quản lý về mặt nhà nước, ông Chung khuyến cáo người lao động cần nắm rõ những nội quy, quy định về an toàn, vệ sinh lao động, cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình làm việc an toàn đối với máy, thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về mặt an toàn lao động.

Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân mà chủ lao động đã cấp. Tham gia các khóa tập huấn, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động mà người sử dụng lao động tổ chức. Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp để tìm công việc hợp lý để làm.

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn lao động để có biện pháp phòng ngừa. Người lao động cũng có thể từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của mình…

Với những nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động thường có những hoàn cảnh rất khó khăn, lại là lao động chính trong gia đình. Khi bị tai nạn không chỉ trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội mà tương lai phía trước của họ cũng trở nên tối tăm, mù mịt.

Trịnh Tuyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này