Cảm phục lòng yêu nghề của một cô giáo khiếm thị

22:58 | 19/11/2015
Căn bệnh viêm màng bồ đào đã cướp đi đôi mắt của nữ giáo viên trẻ đẹp Phạm Thị Thùy. Cô vừa phải chống chọi lại bệnh tật vừa tự tạo cho mình nghị lực để xua tan sự mặc cảm, tiếp tục đứng lớp gieo chữ cho những học sinh khiếm thị. Sự tâm huyết với nghề đã giúp Thùy vươn lên  khiến ai củng phải cảm phục.

Cô giáo trẻ Phạm Thị Thùy (28 tuổi, trú tại thị trấn Phố Châu, huyện miền núi Hương Sơn) được sinh ra trong một gia đình nghèo, có 5 anh em. Cuộc sống vất vả, vì bố bị bại liệt không có khả năng lao động, một mình người mẹ gánh vác, lo cho các con ăn học chu tất.

Thùy được bố mẹ cho ăn học tại trường Cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh. Năm 2008 Thùy tốt nghiệp ngành Tiếng Anh ra trường và được cử về trường THCS Thủy Mai (xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn) công tác. Hơn một tháng vào giảng dạy tại đây cô bị căn bệnh cũ tái phát (viêm màng bồ đào) khiến đôi mắt của cô gần như mờ hẳn, không thể đứng lớp được nữa.

Cảm phục lòng yêu nghề của một cô giáo khiếm thị
Cô Thùy truyền đạt kiến thức cho các em khiếm thị bằng cách đặt từng bàn tay của học trò lên những chấm nổi nhỏ li ti để nhận biết thông tin

Thùy tâm sự, bước vào bục giảng chưa được bao lâu thì do bệnh cũ tái phát mà đôi mắt Thuỳ quên dần ánh sáng. Nhiều lúc nhớ lại khi trươc mắt còn sáng, đứng trên bục giảng mà thèm. Thuỳ thèm lắm được đọc những câu chuyện kỳ bí, ngắm nhìn những bông hoa vào mỗi sáng bình minh, muốn được nhìn thấy nét cười đùa của các cô cậu học trò, khuôn mặt mẹ già nhăn nheo. Đôi lúc cô rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Hàng ngày giam mình trong bốn bức tường, không muốn gặp gỡ, nói chuyện cùng ai. Cô trở nên vô cảm với mọi thứ xung quanh. Những điều mong muốn nhỏ nhoi nhìn được mọi thứ đó giờ đây là vô vọng, trước mắt chỉ là màn đêm.

Thế rồi không chịu khuất phục trước bệnh tật, năm 2009 Thuỳ gia nhập Hội người mù huyện Hương Sơn và đi học lớp giáo viên dạy chữ Brail. “Ban đầu tôi phải mò mẫm từng kí hiệu, có những lúc đôi tay mỏi rã rời, đầu đau nhức. Sau hai tháng kiên trì, tôi đã chinh phục được những chấm nổi li ti trên những trang giấy trắng dày cộp để rồi đọc và viết thành thạo. Năm 2010, tôi chuyển xuống Hội người mù Hà Tĩnh sinh hoạt, tham gia lớp dạy chữ Brail cho các học sinh khiếm thị trên địa bàn”,Thùy nhớ lại.

Một phụ huynh có con bị khiếm thị được Thuỳ dạy học cho biết chính Thùy đã đến khuyên gia đình cho con đi học. “Tới chứng kiến cảnh cô trò dùng lời nói, cử chỉ quây quần bên nhau, tôi tin tưởng giao con để cô dạy dỗ và nói với chồng rằng mình đã gặp được bồ tát rồi”. Phụ huynh này chia sẻ. Nói về dạy các em khiếm thị, Thuỳ cho biết: “Khó khăn ban đầu là truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Mỗi lớp dạy chữ Brail có 10-15 em, độ tuổi chênh lệch nhau, khó khăn nhất là để tập hợp, hòa đồng tất cả các em với nhau. Do các em được giao lưu với bên ngoài ít nên sự mặc cảm, tự ti vẫn rất lớn”,

Cảm phục lòng yêu nghề của một cô giáo khiếm thị

Em Nguyễn Thị Hoài bày tỏ lòng biết ơn với cô giáo Phạm Thị Thùy bằng việc chăm ngoan học hành để không phụ lòng cô

Gần đến ngày nhà giáo Việt Nam, khi chúng tôi hỏi về ký ức, Thùy tâm sự: “Trước kia ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày tôi buồn nhất, bởi nó gợi lại những kí ức não nề khi ước mơ giáo viên dang dở. Kể từ khi đứng lớp dạy các em khiếm thị, cảm giác ngày lễ này đã trở về đúng nghĩa trong tim tôi. Tôi nhớ như in hai năm trước, trong ngày 20/11 các em trong lớp đã mua hoa, cài tóc rồi lò dò đi từng bước lên bục giảng tặng và hát cho tôi nghe. Lúc ấy cô và các trò ôm nhau khóc”.

Nhờ sự phấn đấu không biết mệt mỏi, ba năm trước Thùy được bầu làm Phó chủ tịch Hội người mù tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù được “lên chức” song với khao khát dạy học, nữ giáo viên này vẫn đứng lớp dạy chữ Brail. Hạnh phúc luôn mỉm cười với những người vượt lên số phận. Tháng 1/2014 Thuỳ lên xe hoa với anh Lê Quốc Cường, cũng là người khiếm thị, đang làm ở cơ sở tẩm quất do Hội quản lý.

Ở Hội người mù Hà Tĩnh, các học sinh chủ yếu học cô Thuỳ môn Toán và Tiếng Việt để có thể ứng dụng vào các nghề tẩm quất, làm tăm tre… Có em sau khi học lớp chữ nổi của Thuỳ đã về học lớp hòa nhập với các bạn sáng mắt và học rất giỏi, tiêu biểu như em Trần Việt Hoàng (Lớp 8A, trường THCS Đồng Lộc), liên tục nằm trong tốp 4 của lớp. Hiện trong số cựu học sinh của nữ giáo viên này có 7 em đang học Đại học, 3 em đang học hòa nhập.

Nguyễn Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này