Siết chặt an ninh bệnh viện

10:08 | 09/01/2014
LĐTĐ -Sau sự cố em trai cắt chân chị gái tại bệnh viện cùng hàng loạt vụ gây náo loạn, hành hung bác sĩ xảy ra trong năm 2013 khiến nhiều người không khỏi nghi ngại. Và bên cạnh nỗi lo bệnh tật người bệnh còn gánh thêm nỗi bất an…

Côn đồ … trực chờ

Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng mấy tháng giữa năm 2013 đã xảy ra hàng loạt vụ côn đồ truy sát nhau xảy ra ở cả bệnh viện lớn lẫn nhỏ. Nhưng nóng nhất phải kể đến là vụ việc 30 đối tượng có hung khí tấn công, đập phá tại khoa Cấp cứu BV nhân dân Gia Định TP.HCM trong đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23/9 năm 2013 khiến cả bác sĩ lẫn người bệnh bàng hoàng. Trong Nam đã vậy, ngoài Bắc cũng chẳng kém khi ngày 22/11, tại Bệnh viện Nhi trung ương (Đống Đa, Hà Nội) cũng xảy ra vụ bắt cóc trẻ em hy hữu khi đối tượng gây án chính là cha đứa trẻ. Nguyễn Huy Hiện (SN 1981, Thường Tín, Hà Nội) sau khi ngáo đá, đã dùng dao xông vào bệnh viện cướp đi con mình rồi bỏ chạy trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ tại đây.

Và mới đây thôi, tại BV Xanh Pôn cũng xảy ra sự việc gây chấn động dư luận khi em trai “ ngáo đá” dùng dao cắt chân chị gái đang nằm điều trị. Đáng lưu ý là, sau khi bị phát hiện hung thủ còn dùng dao đe dọa người bệnh và nhân viên y tế khiến không ít người hoảng sợ. Tuy chưa xảy ra việc hành hung nhân viên y tế, nhưng qua đó thấy được sự giám sát, quản lý chưa được bao quát và chặt chẽ của lực lượng bảo vệ BV. Được biết, tại BV Xanh Pôn, các đối tượng bên ngoài vào quậy phá trong BV không phải là lần đầu tiên, trước đây, những cuộc hành hung lẫn nhau giữa các băng nhóm côn đồ, vào tận phòng cấp cứu để truy sát nhau đã từng xảy ra làm cho các nhân viên y tế BV nhiều phen hú vía.



Cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương

Trong hội nghị giao ban của ngành y tế mới đây, TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Nhiều bệnh viện tại Hà Nội sẽ lắp camera tại khu vực cấp cứu, khoa khám bệnh để giám sát cũng như tạo thuận tiện cho việc chỉ đạo tại đơn vị. Đây được xem như là giải pháp ban đầu, còn nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một lực lượng an ninh chuyên biệt để đảm bảo an ninh các bệnh viện. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều lãnh đạo bệnh viện dù có được trang bị cỡ nào, lực lượng bảo vệ cũng không thể ứng phó được với những tình huống côn đồ quậy phá. Chung quan điểm này, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, việc đòi hỏi ngành y tế phải có lực lượng an ninh chuyên biệt là rất khó. Thay vào đó cần có sự vào cuộc từ Chính phủ đến nhân dân.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại tá Nguyễn Xuân Đình - Trưởng Công an quận Ba Đình cho rằng: Để bảo đảm an ninh trật tự trong các BV, một mặt các BV cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ. Trước hết là tăng cường các hình thức và hoạt động tuyên truyền, cảnh báo cho người bệnh và người nhà nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của mình bằng việc dán ảnh công khai các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp để mọi người đề phòng. Trường hợp bị gạ gẫm, đe dọa cần liên hệ ngay trực ban bảo vệ để được giúp đỡ.

Ông Đình nhấn mạnh, đối với BV cần bố trí lực lượng cùng bảo vệ BV và công an lập thành tổ công tác thường xuyên theo dõi, giám sát để phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các đối tượng lừa đảo, môi giới khám, chữa bệnh trái phép. Các hoạt động này phải được tiến hành một cách kiên quyết, thường xuyên và lâu dài thì mới có thể lập lại được an ninh trật tự ở các BV.

Được biết, sau sự cố tại BV Xanh Pôn nhiều bệnh viện đã siết chặt an ninh tại BV, theo đó thiết lập đường dây nóng nối trực tiếp với lực lượng cảnh sát, công an quận, huyện đồng thời dán, phát thanh thông báo để người nhà và bệnh nhân nâng cao cảnh giác.

Phương An
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này