Cần ban hành quy chế đạo đức nghề nghiệp với hoạt động xuất bản

10:25 | 21/11/2014
Cục Xuất bản vừa ra quyết định phạt 252 triệu đồng, đồng thời yêu cầu thu hồi triệt để và đình chỉ lưu hành hai cuốn sách luật - sản phẩm của sự liên kết giữa NXB Lao động - Xã hội với Nhà sách Lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Vụ việc này góp thêm bằng chứng cho sự dễ dãi trong việc liên kết xuất bản cùng với sự lỏng lẻo trong vấn đề kiểm duyệt và phát hành sách thời gian qua.

Liên quan đến vụ việc, mới đây ông Vũ Anh Tuấn - Phó giám đốc NXB Lao động - Xã hội khẳng định: Việc xuất bản cuốn sách trên do Văn phòng đại diện của NXB Lao động - Xã hội trực tiếp thực hiện các giao dịch trực tiếp với nhà sách Lao động. Tuy nhiên, Nhà sách Lao động đã tự ý bổ sung thêm hình ảnh diễn viên Công Lý vào trang bìa cuốn sách, không đúng như bản duyệt. “Sau khi Nhà sách Lao động chuyển sách cho Văn phòng đại diện phía Nam nộp lưu chiểu sách, NXB Lao động - Xã hội đã phát hiện Nhà sách Lao động thực hiện không đúng nội dung sách do NXB Lao động - Xã hội duyệt” - ông Tuấn cho biết thêm. Qua sự việc này, NXB Lao động- Xã hội nhận định rằng: Văn phòng đại diện phía Nam đã có thiếu sót là không kiểm tra bản bông, bản kan và số sách ngay sau khi in để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Ông Tuấn cho biết thêm: Đơn vị này đã và đang tích cực thu hồi và cam kết hủy toàn bộ ấn phẩm trên.

Được biết song song với cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” bị đình chỉ phát hành với lý do: Bìa của cuốn sách sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung cuốn sách, thì Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra quyết định đình chỉ phát hành sách “Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” (cũng do NXB Lao động - Xã hội ấn hành) với lý do: bìa của cuốn sách sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung cuốn sách, dễ gây suy diễn, không có lợi cho bạn đọc.

Tiếp đó, ngày 19/11, Cục Xuất bản có quyết định xử phạt hành chính đối với NXB Lao động - Xã hội do vi phạm 10 lỗi khi xuất bản 2 cuốn sách luật, trong đó đáng chú ý là lỗi: Đã xúc phạm uy tín cơ quan ban hành Bộ luật bằng việc thể hiện hình ảnh trên bìa 1 cuốn sách. Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: Cục đã có văn bản đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Ban cán sự Đảng đoàn Bộ LĐTB&XH làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp đối với giám đốc, Tổng biên tập NXB Lao động - Xã hội trong việc để xảy ra sai phạm như thời gian qua.

Vụ việc này giúp chúng ta thêm khẳng định rằng những sai phạm liên tiếp trong lĩnh vực xuất bản bị phát hiện thời gian qua đều nằm ở diện sách liên kết. Chẳng hạn như sách “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” là sản phẩm liên kết giữa NXB Mỹ thuật và Công ty văn hóa Đinh Tỵ”; cuốn “Văn hóa tộc người Việt Nam”, liên kết giữa NXB Thời đại, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật và nhà sách Thăng Long; cuốn “Bài tập ôn luyện tự kiểm tra cuối tuần toán” (tập 1), liên kết giữa NXB Đại học Sư phạm với Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Việt Nam… Đó là sự liên kết xuất bản giữa một NXB và một đơn vị tư nhân hoặc một NXB khác.

Phải công nhận rằng hoạt động liên kết xuất bản đã giúp cho các NXB khắc phục được hạn chế lớn nhất hiện nay là thiếu vốn sản xuất. Trong khi đó, đối tác liên kết có nhiều thế mạnh (vốn, khả năng nắm bắt thị trường, năng lực phát hành sách…) đã giúp cho các NXB khắc phục được những điều này. Tuy nhiên, “NXB không tuân thủ đúng quy trình biên tập xuất bản như duyệt bản thảo và bìa, thậm chí “bán giấy phép”, phó thác hoàn toàn sản phẩm liên kết cho đối tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bỏ lọt những cuốn sách sai phạm ra thị trường” - Thạc sĩ Vũ Thùy Dương - Phó trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định. Trong khi đó Cục Xuất bản không đủ lực để kiểm soát, mà đa phần chạy theo xử lý những việc đã rồi. Cho nên cứ lâu lâu lại một vụ sai phạm sách bị khui ra, âu cũng không phải là điều quá khó hiểu.

Để hạn chế những sai phạm trong lĩnh vực xuất bản, ông Nguyễn Kiểm - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng: Phải siết chặt quy trình biên tập của NXB, tức là phải tổ chức, đánh giá, tuân thủ lại quy trình biên tập. “Hiện tại, chúng tôi cũng đang soạn thảo và lấy ý kiến về quy chế đạo đức nghề nghiệp đối với hoạt động xuất bản. Đây không phải là một văn bản có tính chất pháp luật, nhưng tôi hi vọng đó sẽ là cẩm nang cho những người làm nghề lưu ý và có những nhận thức đúng để tuân thủ đúng pháp luật, cũng như đạo đức trong làm nghề. Theo tôi, Hội Nghề nghiệp cần phải được trao quyền và cùng Cơ quan quản lý thực hiện nhiệm vụ này” - ông Kiểm cho biết thêm.

Nguyễn Thơ Đình (Độc giả): Các bên mải chạy đua theo lợi nhuận

Có một thực tế là sách dạng sách liên kết thường không có hội đồng thẩm định, trong khi tác giả thì chưa chắc đã là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Theo đúng quy trình thì sách liên kết sẽ do 2 bên cùng biên tập và kiểm duyệt. Nhưng thường thì với các sách liên kết, các nhà xuất bản thường biên tập rất sơ sài, có khi là không làm gì.

Trong khi đó thông thường các đối tác liên kết cần phải xuất bản sách theo đúng sự kiện, đúng thời điểm thì mới bán được sách nên sinh ra kiểu làm ăn chộp giật: Biên tập bản thảo sơ sài, trình bày bắt mắt nhưng đôi khi phản cảm. Lại thêm việc một số NXB không có các ban, các chuyên viên chuyên biệt ở lĩnh vực cụ thể đứng ra làm sách. Mải chạy đua theo lương - thưởng, người làm công tác biên tập đã không tuân thủ theo đạo đức nghề nghiệp, biên tập cẩu thả, thêm bớt, cắt xén vô lối, cho ra lò những sản phẩm méo mó, què quặt.

Phạm Khánh Hà (Biên dịch viên): Sự buông lỏng giám sát của NXB

Sự việc sách luật in hình diễn viên Công Lý mặc quần xà lỏn do NXB Lao động - Xã hội xuất bản bị đình chỉ phát hành thể hiện sự thiếu trách nhiệm từ khâu thiết kế bìa sách đến kiểm duyệt, phát hành. Và tôi cũng hi vọng đây chỉ là sai sót do vô ý của những người làm công tác xuất bản. Vì đây là một ấn phẩm liên quan đến lĩnh vực tư pháp vốn phải đặt tính uy nghiêm, chuẩn mực lên hàng đầu, không thể lấy hình ảnh minh họa bìa thiếu văn hoá như vậy được. Chưa kể việc tự ý lấy ảnh của nghệ sĩ

Công Lý ghép vào hình ảnh phản cảm làm bìa sách đã vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ quyền nhân thân mỗi cá nhân.

Phía NXB đổ lỗi cho đối tác - Nhà sách Lao động tự ý thêm hình ảnh vào trang bìa cuốn sách nhưng tôi nghĩ chính sự buông lỏng giám sát của NXB đã dẫn đến sai sót nghiêm trọng như vậy. Và tại sao sách được phát hành từ tháng 7 mà tới 4 tháng sau mới bị cơ quan chức năng ra lệnh thu hồi? Tự hỏi không biết còn bao nhiêu cuốn đang trôi nổi trên thị trường, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Lê Thị Huyền Trang (Biên tập viên): Lỗi đầu tiên thuộc về họa sĩ vẽ bìa

Tôi nghĩ diễn viên hài Công Lý đứng trên quả cầu lửa, hai tay cầm hai cán cân thể hiện sự thực thi công lý là theo kiểu “Đuổi hình bắt chữ”. Tuy nhiên độc giả sẽ nghĩ gì khi một cuốn sách về luật đòi hỏi sự nghiêm túc, chuẩn mực lại in hình cắt ghép về nam diễn viên hài? Đây là 1 sản phẩm hài trên vietdesigner từ 2 năm trước. Lấy một hình ảnh bất kì trên mạng mà làm bìa cũng đã sai rõ rồi. Bước sang thế kỷ XXI được hơn chục năm rồi mà sao vẫn còn có cá nhân - họa sĩ, tổ chức - nhà xuất bản coi thường chuyện kiểm soát xuất bản thế nhỉ? Đâu chỉ dừng lại ở mức “tai nạn nghề nghiệp”?

Ngô Quang Chính

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này